Hàng trăm sinh viên Hồng Kông tập trung tại địa điểm biểu tình chính ở khu Kim Chung (Admiralty), gần tòa nhà chính quyền và trung tâm thương mại đặc khu, quyết tâm duy trì cuộc chiến đòi bầu cử dân chủ vào năm 2017.
Một nhóm nhỏ vẫn cắm trại ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay) nhưng phần lớn tụ tập ở Kim Chung, tại 2 điểm dừng về phía Tây tuyến tàu điện ngầm của Hồng Kông.
Ngày 2-12, ba người sáng lập phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” Đới Diệu Đình (Benny Tai), Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) và Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming) kêu gọi sinh viên biểu tình rút lui để “củng cố lực lượng”.
Tuy nhiên, vài giờ sau thông báo, một sinh viên tên Lorraine Lam phản đối: “Tôi cho rằng lời kêu gọi khá vô lý vì chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian dài (2 tháng) và không nghĩ là chúng tôi nên dọn đồ đạc và trở về nhà”.
Ba ông Đới, Trần và Chu cho biết họ nộp mình cho cảnh sát vào 15 giờ chiều 3-12 bất kể người biểu tình có nghe lời họ rút lui hay không. Trước đó, đêm 1-12, các vụ đụng độ xảy ra khi một số nhà hoạt động dân chủ ở khu Kim Chung tìm cách bao vây trụ sở chính quyền.
Hàng chục người biểu tình và cảnh sát bị thương sau cuộc ẩu đả. Lực lượng an ninh phải sử dụng dùi cui và phun hơi cay vào người biểu tình, trong một hoạt động mà ông Đới chỉ trích là “mất kiểm soát”.
Tuần trước, một tòa án Hồng Kông ra lệnh dọn dẹp địa điểm biểu tình ở khu Vượng Giác (Mong Kok) nhưng sinh viên đang tìm cách tập hợp trở lại.
Kể từ khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông đi theo con đường “một đất nớc, hai chế độ” với cam kết được Bắc Kinh trao cho một số quyền tự trị và hình thức bầu cử phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây khẳng định sẽ kiểm soát danh sách ứng viên cho vị trí đặc khu trưởng Hồng Kông, khiến người dân trên hòn đảo tức giận vì cho rằng quyền dân chủ của họ bị xâm phạm.
Bình luận (0)