Dù vậy, Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay trinh sát đến Trung Đông.
Sự leo thang căng thẳng ở khu vực diễn ra đúng một tuần sau khi chính phủ Nhật Bản thông qua việc triển khai một tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ hàng hải (MSDF) đến Trung Đông trong tháng 2-2020. Một số máy bay tuần tra tầm xa sẽ gia nhập sứ mệnh này vào tháng sau đó.
Nhiệm vụ chính của lực lượng trên là bảo đảm sự an toàn của tàu dân sự và công dân Nhật Bản thông qua các hoạt động tuần tra tại Vịnh Oman, biển Ả Rập và Vịnh Aden.
Đáng chú ý, tàu chiến Nhật sẽ không hoạt động ở eo biển Hormuz, được xem là một điểm nóng tiềm tàng sau khi một số tàu chở dầu bị tấn công trong những tháng gần đây.
Vụi ám sát tướng Soleimani đã phủ bóng lên kế hoạch triển khai tàu chiến đến Trung Đông của Nhật Bản. Ảnh: AP
Ông Akitoshi Miyashita, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Quốc tế Tokyo cho rằng vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khiến Tokyo không khỏi bất ngờ.
Không những thế, diễn biến này còn làm ông Abe thấy "bẽ mặt" bởi nhà lãnh đạo này đang nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thủ đô Tokyo ngày 20-12-2019 để hội đàm với ông Abe. Ông Rouhani trở thành nhà lãnh đạo Iran đầu tiên đến Nhật trong gần 20 năm.
"Ông Abe không được thông báo trước về vụ tấn công nên rõ ràng là ông bị mất mặt vì vụ việc. Dù vậy, hiện Nhật Bản không thể làm gì nhiều" - ông Miyashita nhận định.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại thủ đô Tokyo hôm 20-12-2019. Ảnh: Reuters
Cũng theo ông Miyashita, sẽ không có chuyện chính quyền ông Abe thay đổi kế hoạch đưa lực lượng đến Trung Đông. Dù vậy, Tokyo sẽ phải xem xét lại tình hình nếu có binh sĩ hoặc công dân Nhật Bản thiệt mạng.
Tương tự, ông Jeff Kingston, nhà phân tích tại Trường ĐH Temple (Nhật Bản) cho rằng kế hoạch triển khai tàu và máy bay vẫn diễn ra như kế hoạch vì ông Abe không muốn làm phật lòng ông Trump.
Mặt khác, theo ông Kingston, Tokyo cũng không muốn có hành động gì chọc giận Tehran và khiến người dân Nhật Bản lo lắng về việc triển khai nói trên. Tuy nhiên, không dễ để Tokyo đạt được cùng lúc 3 mục tiêu này.
Ngoài cơn đau đầu nói trên, một nỗi lo khác của Nhật Bản là bất kỳ sự sa lầy nào của Mỹ tại Trung Đông có thể khiến Triều Tiên thêm liều lĩnh.
"Tôi nghĩ ông Kim Jong-un đang cười đắc ý khi chứng kiến tình huống này vì đây là cơ hội để ông kiềm tra xem liệu ông Trump có thể xử lý cùng lúc được bao nhiêu rắc rối" - ông Kingston đánh giá.
Bình luận (0)