Chính phủ Mỹ hôm 1-3 xác nhận thông tin trên khi nó được báo The Washington Post đăng tải trước tiên và châm ngòi cho những lời kêu gọi ra đi đối với ông Sessions sau 3 tuần nhậm chức. Điều khiến không ít nhà lập pháp Đảng Dân chủ nổi giận là nhân vật được Tổng thống Trump lựa chọn vào vị trí cầm cân nẩy mực đã không thú thật những cuộc gặp này khi bị chất vấn tại phiên điều trần phê chuẩn đề cử trước Ủy ban Quốc hội hồi tháng 1. Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, Tướng Michael Flynn, đã phải từ chức hồi tháng trước sau khi khiến Phó Tổng thống Mike Pence hiểu sai về các cuộc nói chuyện với Đại sứ Kislyak.
Theo The Washington Post, một cuộc gặp của ông Sessions với đại sứ Nga diễn ra vào tháng 9-2016 tại văn phòng của ông, đúng lúc giới chức tình báo Mỹ đang điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Cuộc gặp còn lại diễn ra 2 tháng trước đó bên lề một hội nghị.
Phản hồi trong một tuyên bố đưa ra ngay trong đêm 1-3 (giờ địa phương), ông Sessions nhấn mạnh “chưa bao giờ gặp bất cứ quan chức Nga nào để thảo luận về các vấn đề của chiến dịch tranh cử”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Tư pháp Sarah Isgur Flores khẳng định không có bất cứ điều gì gian dối ở cuộc điều trần nêu trên của ông Sessions.
“Trong khi điều trần, ông Sessions được hỏi về liên lạc giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump, chứ không phải về các cuộc gặp của ông ấy - với vai trò lúc bấy giờ là một thượng nghị sĩ và là thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện (SASC)” - bà Flores giải thích.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đối mặt những lời kêu gọi từ chức chỉ 3 tuần sau khi nhậm chức Ảnh: REUTERS
Tuy vậy, The Washington Post cho biết trong số 26 thành viên của SASC được hỏi về việc có gặp ông Kislyak hồi năm ngoái hay không, có 20 người trả lời - bao gồm Chủ tịch SASC John McCain - và không ai trong số họ gặp cả.
Không chỉ cáo buộc ông Sessions “nói dối khi tuyên thệ” và hối thúc ông từ chức, các nghị sĩ Đảng Dân chủ còn cho rằng chính trị gia này, vốn là một trong những người ủng hộ Tổng thống Trump, sớm phải đứng sang một bên trong cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI) liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. FBI vốn nằm dưới sự quản lý của Bộ trưởng Tư pháp.
Theo The Guardian (Anh), một quan chức Nhà Trắng gọi sự quyết liệt từ phe Dân chủ là “một cuộc tấn công nhằm vào chính quyền của Tổng thống Trump”. Trong khi đó, nghị sĩ Đảng Dân chủ Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, hôm 1-3 cho hay cơ quan này sẽ điều tra những cáo buộc về quan hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Theo thông tin mới nhất được The New York Times tiết lộ ngày 2-3, một số quan chức Nhà Trắng thời cựu Tổng thống Barack Obama đã tận dụng những ngày cuối để chia sẻ thông tin về những liên lạc có thể có giữa phụ tá của ông Trump và Nga. Nỗ lực “phút 89” này nhằm ngăn chặn Nga “tiếp tục can thiệp” vào bầu cử Mỹ, để lại đầu mối cho các cơ quan tình báo và giới chức điều tra tiếp.
Bình luận (0)