Cuộc không kích bất ngờ
Một nguồn tin an ninh cấp cao Iraq cho hãng tin AP hay vụ không kích diễn ra không lâu sau khi máy bay chở ông Soleimani từ Lebanon hoặc Syria đáp xuống sân bay quốc tế Baghdad đêm 2-1.
Cả viên tướng Iran lẫn những người đến đón - nhóm thủ lĩnh của Lực lượng Huy động nhân dân (PMF) – đều thiệt mạng khi MQ-9 Reaper phóng tên lửa vào đoàn xe đang rời sân bay, theo báo The New York Times.
Trên mạng xã hội truyền tay nhau hình ảnh chiếc xe được cho là chở tướng Soleimani tan tành vì trúng tên lửa của máy bay không người lái Mỹ. Nguồn: Times of Israel
Nhận dạng tướng Soleimani
Thi thể vị tướng lừng danh của Iran được đưa về quê nhà và Tehran tổ chức tang lễ 3 ngày. Một chính trị gia cấp cao Iraq tiết lộ với AP rằng người ta xác nhận tướng Soleimani tử vong bằng chiếc nhẫn ông đeo trên tay.
Nhân vật số hai của Iran
Tại Iran, tướng Soleimani là nhân vật được trọng vọng theo đường lối cứng rắn. Có mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, vị tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thậm chí được xem là nhà lãnh đạo tiềm năng ở đất nước Hồi giáo này.
Ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Đông, ông Soleimani hiện thân cho sức mạnh của Iran. Được đánh giá là chiến lược gia mạnh mẽ, vị tướng 62 tuổi ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của Tehran , bất chấp sự o ép của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Theo báo New York Times, nhiều người dân Iran thần tượng ông Soleimani là anh hùng chiến tranh. Ông trở thành chỉ huy trong cuộc chiến Iran – Iraq hồi thập niên 1980 khi mới ngoài 20 tuổi. Năm 2011, khi lãnh đạo tối cao Khamenei thăng chức cho Soleimani làm thiếu tướng Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, ông gọi viên tướng này là "tử đạo sống", theo trang Sputnik.
Hình ảnh lan truyền trên mạng được cho là bàn tay đeo nhẫn của tướng Soleimani và người ta dựa vào đây để nhận dạng ông. Nguồn: Times of Israel
Con đường binh nghiệp tầm cỡ
Tướng Soleimani sinh năm 1957, gia nhập Lực lượng Vệ binh Cách mạng vào năm 1979, ngay sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran.
Ông nhanh chóng leo cao trên nấc thang sự nghiệp, trở thành chỉ huy Đơn vị Sarallah 41 khi chưa đầy 30 tuổi. Vào giữa những năm 1980, ông bắt tay với người Kurd ở Iraq để tổ chức các hoạt động ngầm chống phá chế độ của Tổng thống Saddam Hussein.
Sau cuộc chiến, theo Sputnik, ông trở thành chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng tại quê nhà là tỉnh Kerman cho tới năm 2002. Vài tháng trước khi Mỹ xâm chiếm Iraq, ông Soleimani được bổ nhiệm làm chỉ huy Lực lượng Quds – đơn vị đặc nhiệm chịu trách nhiệm hoạt động ở nước ngoài của Lực lượng Vệ binh cách mạng.
Trong 2 thập kỷ qua, ông là đầu não đứng sau gần như toàn bộ nhiệm vụ quân sự và tình báo của Iran ở nước ngoài, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các nhóm vũ trang thân Iran đánh trả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thủ lĩnh nhóm Hezbollah, Hassan Nasrallah, hô hào trả thù Mỹ sau vụ tướng Soleimani bị giết. Ảnh: AP
Bị ám sát hụt liên tục
Tướng Soleimani thoát chết sau hàng loạt vụ ám sát do phương Tây, Israel và các tổ chức Ả Rập tiến hành hai thập kỷ qua, theo báo Telegraph. Các quan chức Mỹ cũng cáo buộc ông gây cái chết của hàng trăm lính Mỹ trong cuộc chiến Iraq.
Không ít lần tin tức ông Soleimani thiệt mạng được loan truyền. Năm 2006, ông bị đồn tử nạn khi một chiếc máy bay rơi ở Tây Bắc Iran, giết chết nhiều tướng lĩnh. Năm 2012, lại có tin ông chung số phận với nhiều cố vấn cấp cao của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong vụ đánh bom ở Damascus. Gần đây nhất, ông được cho là bị giết hoặc bị thương nặng khi chỉ huy lực lượng trung thành với ông Assad tái chiếm tỉnh Aleppo hồi tháng 11-2015.
Phản ứng của Iraq?
Quốc hội Iraq cuối tuần này họp phiên khẩn cấp để bàn về vụ không kích hôm 2-1 của Mỹ. Phản ứng tức thời sau vụ việc, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi gay gắt gọi đây là "sự xâm phạm trắng trợn đối với chủ quyền của Iraq và là cuộc tấn công gây sốc nhằm vào phẩm giá của nước này".
Bình luận (0)