Tiếp tục chuyến thăm cấp nhà nước tới CHND Trung Hoa, ngày 13-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi thăm tỉnh Phúc Kiến và dự tọa đàm Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Chủ tịch nước tham dự
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và tỉnh Phúc Kiến nói riêng đầu tư vào những dự án có hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, logistics, điện tử, công nghiệp hỗ trợ..., trong đó chú trọng bảo vệ môi trường, tham gia tích cực hơn các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam.
Trong ngày 14 và 15-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự các hoạt động của diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường". Theo TTXVN, trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc trước thềm chuyến đi, Chủ tịch nước đánh giá diễn đàn "Vành đai và Con đường" là dịp để lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế cùng bàn biện pháp tăng cường hợp tác, thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến và nỗ lực tăng cường liên kết kinh tế, kết nối khu vực vì lợi ích chung của các quốc gia; kỳ vọng diễn đàn sẽ phát triển hạ tầng giao thông liên lục địa, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự tọa đàm Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc Ảnh: TTXVN
Cùng tham dự diễn đàn đầu tiên về sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) còn có nguyên thủ của ít nhất 28 quốc gia - bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte... và đại diện của hơn 100 quốc gia ở cả 5 châu lục.
Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu lần đầu ở Kazakhstan vào tháng 9-2013 với tên gọi "Một vành đai, một con đường", sáng kiến này hiện nay không chỉ đổi tên mà còn thay đổi đáng kể mục tiêu hoạt động: Từ lục địa Á - Âu mở rộng ra toàn thế giới.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) và đài CNN, bằng cách sử dụng các thỏa thuận thương mại tự do và dự án hạ tầng, sáng kiến muốn tạo lập "Con đường tơ lụa" mới trải rộng trên hơn 68 quốc gia - bao gồm 4,4 tỉ dân, chiếm tới 40% GDP toàn cầu (khoảng 21.000 tỉ USD) - và chia làm 2 nhánh: "vành đai" trên bộ đi xuyên Á - Âu và "con đường" trên biển kết nối từ Trung Quốc tới châu Phi trước khi dừng chân ở Địa Trung Hải.
Rót tiền đầu tư cho các nước trong tầm bao phủ của "Vành đai và Con đường" cũng là cách để Trung Quốc đối phó các vấn đề của kinh tế trong nước. "Trung Quốc muốn tận dụng BRI để chuyển tình trạng dư thừa công suất ra khỏi biên giới, tạo thêm việc làm trong bối cảnh hơn 1,2 triệu việc làm trong nước bị cắt giảm năm 2016 và 2017" - ông Nick Marro, chuyên gia tại Công ty Economist Intelligence Unit (Anh), nhận định với CNN.
Sáng kiến cũng mở thêm thị trường mới cho hàng hóa Trung Quốc để đối phó bất cứ nguy cơ sụt giảm nhu cầu nào từ châu Âu và Mỹ, theo ông Jin-Yong Cai, cựu Giám đốc Viện Tài chính quốc tế (Mỹ).
Tiền ở đâu ra?
Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận song hầu hết nhà quan sát tin rằng đằng sau BRI, ngoài kinh tế còn có động lực chính trị. Nhiều dự án hạ tầng trong khuôn khổ BRI - thiết lập hành lang kinh tế ở Pakistan, xây cảng ở Djibouti và các đường ống dẫn dầu ở Trung Á - đều có thể được sử dụng để thách thức các cường quốc truyền thống.
Giữa lúc Tổng thống Trump chủ trương cắt giảm các nguồn vốn ra nước ngoài theo chính sách "Nước Mỹ trên hết" và Liên minh châu Âu (EU) còn lúng túng vì Anh ra đi, chuyên gia về Trung Quốc tại Anh Trey McArver nhận định với Bloomberg: "BRI có tiềm năng thay đổi các phương thức thương mại và kinh tế, đặc biệt là ở châu Á".
Tuy nhiên, tiềm năng nào cũng đi kèm rủi ro, nhất là khi quy mô của BRI lớn như vậy. Theo đúc kết của báo chí nhà nước Trung Quốc, BRI "mang lại lợi ích cho tiến trình hòa bình Trung Đông, năng lượng hạt nhân, giao dịch tiền tệ, giảm đói nghèo toàn cầu... cũng như phát triển khách sạn ở Úc, trái cây Ba Lan...".
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc huy động tiền như thế nào cho BRI? Tân Hoa Xã từng đưa tin đã có khoảng 1.000 tỉ USD được đầu tư cho BRI và có thể có thêm nhiều ngàn tỉ USD nữa trong thập niên tới. Còn công ty dịch vụ tài chính Credit Suisse Group AG (Thụy Sĩ) tháng này cho hay Trung Quốc có thể rót hơn 500 tỉ USD cho 62 nước trong 5 năm tới.
Ngoài 3 ngân hàng phát triển trong nước, Quỹ Con đường tơ lụa và Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Trung Quốc trong nhiều năm gần đây đã tạo thêm nhiều tổ chức tài chính mới hoặc liên kết với các nước khác. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan cho hay chính phủ không thể tài trợ cho mọi dự án thuộc BRI và những chi tiết sâu hơn về mặt tài chính của BRI sẽ được thảo luận tại diễn đàn ở Bắc Kinh.
Theo trang Bloomberg, Trung Quốc hiện sở hữu hơn 3.000 tỉ USD dự trữ quốc tế - chiếm hơn 1/4 tổng dự trữ quốc tế - nên nước này có vẻ không phải lo lắng về gánh nặng tài chính. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, dẫn đến nguồn vốn chảy ra nước ngoài bị hạn chế.
Hiệu quả hoạt động của các công ty nhà nước, lực lượng chính đầu tư ra nước ngoài, của Trung Quốc bị đặt dấu chấm hỏi. Ông Jorg Wuttke, thuộc Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cảnh báo các công ty Trung Quốc có thể "lợi dụng BRI để lách các biện pháp kiểm soát vốn, chuyển tiền ra nước ngoài trong vỏ bọc đầu tư quốc tế".
Bình luận (0)