Ngày 15-8, tiếp tục phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành cả ngày để họp bàn về giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)".
Dân bức xúc là đúng
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực tế một số nhà đầu tư chỉ nâng cấp những con đường đã được đầu tư bằng vốn nhà nước, thậm chí mới tráng một lớp nhựa trên mặt đường đã tiến hành thu phí.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) phải xả trạm ngày 15-8 sau khi các tài xế dùng tiền lẻ đóng phí gây ùn tắc Ảnh: LÊ PHONG
"Như BOT Cai Lậy (dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ (QL) 1 - PV), dự án trên QL 1 chỉ tráng một lớp trên mặt đường và cuối cùng thu phí cao hơn cả đường cao tốc Trung Lương nên dân bức xúc là đúng" - ông Phúc nói và cho rằng một số nơi khác cũng có tình trạng tương tự.
Theo Tổng Thư ký QH, có tình trạng thời hạn thu phí đường chính hết nên nghĩ ra việc mở đường tránh cho nhanh hồi vốn. Chính vì vậy, nhiều khi nhà đầu tư lợi dụng việc này mở trạm thu phí BOT khiến dân bức xúc. Ông Phúc đề nghị đoàn giám sát bổ sung việc giám sát dự án BOT Cai Lậy.
Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy trong 88 trạm thu phí BOT trên các quốc lộ thì 10 trạm khoảng cách tối thiểu từ 60-70 km; 20 trạm dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án. Trưởng Ban Dân nguyện, bà Nguyễn Thanh Hải, đề nghị làm rõ tại sao quy định khoảng cách tối thiểu các trạm thu là 70 km nhưng chỉ 10% số trạm làm đúng quy định.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu đã cùng dùng từ "rất buồn" khi nhắc đến sự cố xảy ra ở BOT Cai Lậy những ngày qua. Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng khoảng cách đặt trạm BOT và mức thu phí hiện nay thiếu minh bạch. Quy định đặt trạm BOT yêu cầu phải tham khảo ý kiến người dân nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn hoặc thực hiện hình thức, một số nơi thì áp đặt.
Còn ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị đối với các tuyến độc đạo, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch có trạm BOT, nhà nước nên có phương án xử lý sớm, nếu cần thiết phải đề ra lộ trình để mua lại.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đường tốt thì rút ngắn thời gian lưu thông nhưng giá cước vận tải Bắc - Nam vẫn cao. Thời gian rút ngắn mà chi phí tăng thì chưa chắc hiệu quả. "Vì sao làm đường hiện đại hơn mà dân không thích, thậm chí dẫn tới tình trạng né trạm thu phí? Phải sớm giải quyết bức xúc nếu không nó thành vấn đề xã hội" - ông Hải nêu.
Không thực hiện BOT thu phí với tuyến độc đạo
Về vị trí đặt trạm thu phí BOT, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu đánh giá thêm vì "Báo cáo của đoàn giám sát to đùng thế này mà chỉ có hơn 5 dòng nói về trách nhiệm. Thực chất là chưa nói được trách nhiệm các tập thể, cá nhân sau giám sát. Phải chăng chúng ta chưa nói hết hay còn nể nang? Báo cáo rất hay nhưng đánh giá về trách nhiệm còn rất nhẹ nhàng".
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, việc đầu tư ồ ạt BOT dẫn đến hạn chế về giám sát. Vì vậy, cần rà soát để xử lý tổng thể, tránh bức xúc như ở trạm Cai Lậy.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, bản thân BOT và chủ trương làm BOT không có lỗi. Vấn đề là cơ sở pháp lý thiếu, không đồng bộ, không ổn định nên ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện hình thức đầu tư này. Bất cập ở chỗ cứ nói rằng giao thông là thiết yếu, mà ta chỉ cho họ đi một con đường ấy, không còn con đường khác để lựa chọn. Điều này cho thấy dường như chúng ta thiếu một quy hoạch tổng thể để cho dân có điều kiện lựa chọn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng nhiều dự án BOT có kết quả tốt. Tuy nhiên, qua giám sát nhận thấy thực hiện vẫn là khâu yếu nhất khi giao quá nhiều quyền cho chủ đầu tư, dẫn đến nhiều sai sót, yếu kém, gây bức xúc cho người dân.
Việc thực hiện các dự án BOT chưa tạo điều kiện cho người tham gia giao thông có lựa chọn, nhất là ở các tuyến độc đạo, chưa kể vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý. UBTVQH đề nghị đoàn giám sát làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, thậm chí chỉ ra sơ bộ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ GTVT, chủ đầu tư trong những hạn chế mà báo cáo đã nêu.
UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo. Tiến hành xây dựng quy hoạch đường giao thông đầu tư theo hình thức BOT. Rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật để xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Hoàn thiện cơ chế để thu hút đầu tư, đưa ra tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư, phương án tài chính trong quá trình thu hút vốn.
Đoàn giám sát kiến nghị không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT có thu phí người sử dụng. Trường hợp cấp thiết phải tiến hành quy trình tham vấn các đối tượng liên quan, đặc biệt là ý kiến của người dân địa phương ở tuyến đường đi qua.
Rất nhiều hạn chế mà chẳng ai chịu trách nhiệm, tất cả cùng vỗ tay thì tác động giám sát của QH không cao. Đề nghị cung cấp các kết luận kiểm toán và thanh tra trong lĩnh vực này"
- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Vụ BOT Cai Lậy: Rất buồn!
Giải trình trước UBTVQH về dự án BOT Cai Lậy, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa phân trần: "Khi sự việc xảy ra, chúng ta cứ nghĩ đến lỗi của nhà đầu tư. Tôi đề nghị nhìn khách quan hơn, bởi không có địa phương và Bộ GTVT đồng ý thì nhà đầu tư làm thế nào được. Chúng tôi thấy rất buồn !".
Theo Bộ trưởng, người dân, doanh nghiệp, hiệp hội vận tải tại chỗ thật sự không phản ứng gì, chỉ có 7 doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng nhưng cách thức làm ông thấy rất buồn. Bởi có chính quyền nhưng doanh nghiệp dàn ngang các xe ra để gây ách tắc, gây sức ép để buộc phải xả trạm.
Trong ngày 15-8, bộ đã mời nhà đầu tư đến làm việc. Đề xuất của địa phương là giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống 25.000 đồng/lượt, mức này nhà đầu tư có thể sẵn sàng. "Nhưng suy cho cùng thì vẫn là số tiền ấy thôi, chỉ thay phương án thu gần 7 năm thì sẽ kéo dài tới khoảng 12-13 năm, vì tổng mức đầu tư của người ta như vậy rồi" - Bộ trưởng Nghĩa giải thích.
Khuyến khích "né" trạm để giảm chi phí
Cùng ngày, ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, cho biết lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa làm việc với UBND tỉnh này để giải quyết những vướng mắc trong việc thu phí đường bộ tại Trạm T2 của Công ty CP Đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang (BOT Cần Thơ - An Giang).
Trước mắt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất miễn giảm cho xe buýt, taxi chạy ở vùng lân cận và các xe đi theo hướng QL 80 về tỉnh Kiên Giang. Dự kiến trạm thu phí sẽ được dời qua khỏi khu vực ngã ba Lộ Tẻ để các xe đi từ An Giang về Kiên Giang hoặc ngược lại không phải qua trạm nữa. Riêng việc miễn, giảm thu phí cho các xe sẽ thực hiện từ ngày 1-9-2017.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT của BOT Sóc Trăng và BOT Bạc Liêu, cho hay doanh nghiệp này đã chi khoảng 1.800 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng 28 km đường. Trong đó, BOT Sóc Trăng từ cầu Trà Quýt (huyện Châu Thành) đến hết đường tránh TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; BOT Bạc Liêu từ cầu Nàng Rền (huyện Vĩnh Lợi) đến cửa ngõ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
"Chúng tôi khuyến khích việc "né" trạm để người dân giảm chi phí. Vì vậy, nếu có đường khác cự ly tương đương thì người dân cứ đi, không nhất thiết phải qua trạm thu phí" - ông Phương nhấn mạnh.
T.NỐT - P.KHÊ
Thăm dò ý kiến
Thử đề xuất hướng xử lý vụ trạm BOT Cai Lậy:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)