Báo cáo trước kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng mới đây, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, thừa nhận có khoảng 48 cán bộ, y bác sĩ (BS)ở các bệnh viện (BV) công trên địa bàn đã nộp đơn xin nghỉ việc, trong đó có nhiều BS tay nghề cao, là trưởng khoa ở các BV lớn.
Lương cao réo gọi
BV Đà Nẵng hiện có hơn 300 BS đang làm việc trên tổng số hơn 2.400 lượt khám, chữa bệnh/ngày.
Một lãnh đạo của BV này cho hay trong "cơn bão nhảy việc", BV này có 3 BS xin nghỉ việc, chủ yếu do nhận được lời mời và mức lương khá hấp dẫn tại một BV tư sắp hoạt động ở Đà Nẵng.
"Họ trả lương điều dưỡng đã 20 triệu đồng, BS thì cũng tầm 50-70 triệu đồng, nếu tay nghề tốt. Một số BS chọn cách nghỉ việc để sang đó làm cũng do có chút khó khăn ở gia đình, sang BV tư mức lương cao thì đời sống ổn định hơn" - vị này cho biết.
BS Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc BV Phụ sản Nhi TP Đà Nẵng, cho biết BV này có 3 BS đã nghỉ việc để chuyển sang BV khác, trong đó có một BS trưởng khoa ngoại nhi, một BS trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh. BS Sơn cũng nhìn nhận việc BV tư đi vào hoạt động và ngỏ ý mời các nhân viên y tế ở cơ sở công lập đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều BV công. Trong đó, những người được mời thì tư tưởng dao động bởi mức lương hấp dẫn, đơn vị quản lý thì không tránh khỏi bức xúc. "Đành rằng các BS đi đâu thì cũng phục vụ bệnh nhân nhưng các BV công đã nuôi họ thành tài, cầm tay chỉ việc. Đến khi thành thạo rồi lại nghỉ để sang chỗ khác phục vụ" - BS Sơn trải lòng.
BS N.V.T. vừa xin nghỉ việc tại BV Đà Nẵng, cho rằng bản thân "nhảy việc" vì muốn thay đổi môi trường làm việc và để thử sức mình. Dù đi bất cứ BV nào mà phục vụ cho ngành y tế là phục vụ cho bệnh nhân, đó là thiên chức của nghề BS. Trong khi đó, BS N. (công tác tại BV C Đà Nẵng), cho rằng ngoài việc muốn thử sức ở môi trường mới, việc chuyển từ BV công sang BV tư còn nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đau lòng?
Nói về việc BV tư thu hút BS, bà Ngô Thị Kim Yến thừa nhận y tế tư nhân góp phần giúp ngành y tế giảm quá tải, đa dạng hóa dịch vụ, phục vụ tốt hơn cho người dân. Điều đáng nói là các BS giỏi "nhảy việc" khi BV công còn đang trong tình trạng quá tải. Người nghèo sẽ mất cơ hội được điều trị từ các BS giỏi ở BV công. Đó là điều khiến lãnh đạo ngành y tế đau lòng.
Theo bà Yến, TP Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 BS, với tỉ lệ 67 giường bệnh/10.000 dân. Toàn TP có 7 BV tư nhân, 5 BV thuộc bộ/ngành và 20 phòng khám đa khoa, 600 phòng mạch tư. Đà Nẵng luôn xảy ra tình trạng quá tải tại các BV vì không chỉ phục vụ cho người dân Đà Nẵng mà còn điều trị cho người dân miền Trung - Tây Nguyên.
Theo BS Sơn, từ năm 2017, BV Phụ sản Nhi TP Đà Nẵng đã thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Hy vọng với cơ chế này, BV sẽ góp phần tăng thu nhập cho BS, giúp nhân viên y tế ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng việc các BS BV công "nhảy" sang BV tư với điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ tốt hơn cũng là một xu thế tất yếu và không có gì xấu. "Trong thời gian tới, TP cần nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ cả về vật chất cũng như cơ hội làm việc theo đúng sở trường, cơ hội thăng tiến để thu hút và giữ chân được đội ngũ y BS giỏi" - ông nhấn mạnh.
Một lãnh đạo BV Đà Nẵng lại khẳng định số lượng người "nhảy việc" không đáng kể và không ảnh hưởng gì đến chất lượng khám chữa bệnh của BV này. Mỗi năm có hàng trăm BS ở miền Trung tốt nghiệp và nộp đơn xếp hàng xin được vào làm việc. Chỉ cần vào BV làm khoảng 5 năm là từ BS mới vào nghề đã có thể rành nghề.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng trong một ca phẫu thuật lấy thai Ảnh: Bích Vân
Buổi thực hành đào tạo nhân lực ngành y tại một trường đại học ở Đà Nẵng Ảnh: NGUYỄN ANH
Đãi ngộ tốt để giữ chân
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết tại địa phương này có xảy ra tình trạng nhiều BS đang công tác ở BV công bỏ ra làm ở BV tư nhưng rải rác chứ không phải hàng loạt. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ đãi ngộ ở các BV tư có phần nhỉnh hơn nên thu hút.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam đang thiếu BS trầm trọng ở hầu hết các cơ sở y tế công lập, tuyến huyện và một số BV chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa. Thậm chí không đủ BS để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ. Từ năm 2014, tỉnh Quảng Nam "trải thảm đỏ" với nhiều cơ chế ưu đãi nhằm thu hút BS có trình độ sau đại học về làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, số BS ra trường về công tác không nhiều lại tập trung chủ yếu tại các BV tuyến tỉnh và khu vực, ít về tuyến huyện, đặc biệt là miền núi, các BV chuyên khoa và trung tâm chuyên khoa. Chính vì thế, Sở Y tế tỉnh đang tiếp tục xây dựng đề án chính sách đào tạo cán bộ y tế và thu hút BS về cơ sở y tế công lập giai đoạn 2017-2021 với nhiều cơ chế ưu đãi rất đặc biệt.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, những năm trước có một số trường hợp y BS ở BV công của tỉnh này xin nghỉ việc để đến các BV tư ở Đà Nẵng, TP HCM… Tuy nhiên, sau khi Quảng Ngãi thực hiện chính sách đãi ngộ đặc biệt nhằm giữ chân, thu hút nguồn nhân tài chất lượng cao thì tình trạng này chấm dứt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):
Công tác tư tưởng cũng quan trọng
Ở BV tôi công tác, tình trạng BS bỏ BV công hầu như là không có vì ngoài việc làm tại BV, nhiều người vẫn mở phòng khám bên ngoài hoặc làm thêm ngoài giờ tại những phòng khám khác. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp tại nhiều tỉnh, đặc biệt ở vùng miền Tây, đã xin nghỉ ở các BV công. Để giảm thiểu tình trạng trên thì ngoài chính sách đãi ngộ cần tốt hơn thì công tác tư tưởng cũng quan trọng, có nhiều trường hợp lương không cao nhưng môi trường làm việc tích cực, cởi mở thì BS được giảm áp lực để tập trung chuyên môn, không có tư tưởng ra ngoài làm tư.
Ng.Giang
Chỉ là hiện tượng?
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, BS bỏ BV công sang BV tư chỉ là một hiện tượng xã hội chứ không phải là "cơn bão". Ở địa phương nào đó xuất hiện nhu cầu nhân lực cho y tế tư nhân với mức thu nhập cao thì nơi đó sẽ xuất hiện việc dịch chuyển BS theo quy luật cung - cầu. Ai cũng muốn có việc làm tốt, môi trường làm việc thuận lợi, an toàn để có thể phát huy hết khả năng, để cống hiến hết mình. Làm việc trong môi trường BV thì ở đâu cũng áp lực, dù công hay tư. Do đó, lý do chính BS rời BV công là bởi thu nhập quá thấp, lương và phụ cấp không hề tương xứng, rất phi lý làm sao yên tâm làm việc hết mình vì người bệnh được. Thế nhưng, không thể nói sang BV tư là không tốt. Đây có thể là đòn bẩy rất tốt để kích thích y tế công phát triển. Y tế tư nhân với cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ BS giỏi từ BV công ra làm việc, chất lượng khám chữa bệnh cao sẽ thu hút nhiều người bệnh, đồng thời giảm tải cho BV công.
Dĩ nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương và năm nào cũng tái diễn ở những nơi đó thì các địa phương đó, ngành y tế và BV đó cần xem lại cơ chế đãi ngộ. Với làn sóng BS bỏ BV công thời gian qua đã đánh động lãnh đạo các BV công nên nhiều BV đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, đồng thời đổi mới chất lượng BV để từ đó có nguồn thu và giúp đời sống nhân viên y tế tốt hơn.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cũng cho rằng nếu chỉ dựa vào năng lực chuyên môn mà không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý thì BV sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân và cả nhân viên, đặc biệt khi chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế tại tuyến huyện giúp bệnh nhân có quyền lựa chọn BV tốt hơn để khám, chữa bệnh. Do đó, Bộ Y tế đang đẩy mạnh chương trình đào tạo công tác quản lý BV theo hướng hiện đại, từng bước tiếp cận với thế giới.
Ng.Dung
Bình luận (0)