Sáng 26-3, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2016, các bộ ngành đã báo cáo trước Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho biết đến nay đã chặn đứng nguồn chất cấm từ bên ngoài. Ngoài ra, với tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, bộ này đã kiểm tra hơn 200 mẫu và không còn mẫu nào có chất cấm. Chỉ còn lén lút một số đại lý đưa cho trang trại hoặc hộ gia đình nhỏ và hiện nay, Bộ NN-PTNT đã đạo kiểm tra toàn bộ, nếu bắt được sẽ lập tức xử lý.
“Chúng tôi (Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế - PV) phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Cụ thể, có thể một số cán bộ không nắm rõ thông tin nói rằng dường như các bộ không phối hợp với nhau, toàn đổ lỗi cho nhau. Việc đó hoàn toàn là không có. Chúng tôi phối hợp với nhau chặn đứng nguồn cung cấp từ bên ngoài. Từ 1-7 tới sẽ thực thi theo luật hình sự, đưa vào xử lý hình sự” - ông Phát khẳng định.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Cao Đức Phát, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng khẳng định về kiểm soát chất cấm, Bộ NN-PTNT đã làm rất quyết liệt. “Bên chúng tôi (Bộ Y tế - PV) cũng đã phối hợp ngưng không cho nhập. Có 4 công ty đã bị rút giấy phép và chuyển cơ quan điều tra. Bây giờ luật mới đưa chất cấm vào trong danh mục những thuốc bị kiếm soát đặc biệt. Cái này vẫn phải truyền thông, không khéo nhân dân hiểu nhầm. Ung thư không chỉ là an toàn vệ sinh thực phẩm đâu mà rất nhiều yếu tố như di truyền, môi trường... ” - bà Tiến nói.
Tỏ ra không đồng tình với 2 vị tư lệnh ngành nông nghiệp và y tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng thẳng thắn đặt câu hỏi: “Thưa anh Phát và chị Tiến, anh chị nói rằng các bộ phối hợp với nhau rất tốt nhưng dân bây giờ vẫn ăn bẩn thì tốt cái gì? Nói thế không được. Nói thế thì tức là bảo dân cứ tạm thời ăn bẩn đi, chúng tôi còn phải có lộ trình à? Như vậy không được. Cần phải có biện pháp rất nhanh”.
Bí thư Đinh La Thăng đề nghị cho TP HCM thí điểm thành lập một cơ quan trực thuộc UBND TP để lo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. “Giờ cứ bộ nọ đổ bộ kia, sở nọ đổ sở kia thì không làm được. Đề nghị thực hiện trên cơ sở giao cho TP HCM lấy biên chế từ các sở, ban, ngành để tập trung thành một đầu mối. Giờ hỏi đến ai cũng không chịu nhận hết. Sở này bảo cái này em xong rồi, sở kia cũng bảo em xong rồi là không được” – ông nói.
Bí thư Thăng cũng đề nghị tăng cường các chế tài xử phạt và tiền xử phạt này được dùng để đầu tư lại cho công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Ngân sách thiếu thật nhưng không thể lấy tiền phạt đưa vào cân đối được. Tốt nhất phạt nặng đưa vào đầu tư” – ông nói và yêu cầu quy trách nhiệm cụ thể cho từng khâu, từng công đoạn khi đã có đầu mối tập trung.
“An toàn vệ sinh thực phẩm phải làm quyết liệt vậy. Không thể để tất cả phối hợp tốt nhưng mọi người bản thân cứ ăn bẩn thì không thể chấp nhận được. Tất nhiên cũng có trách nhiệm của địa phương nữa” – Bí thư Thăng một lần nữa nhấn mạnh.
Bình luận (0)