Ngày 20-1, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của: Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Liên quan đến số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định trong dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định số lượng tối đa đối với các bộ đặc thù như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là 6 thứ trưởng; còn các bộ, cơ quan ngang bộ khác chỉ là 4 thứ trưởng. Đối với số lượng cấp phó của đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, thì đề nghị quy định tối đa là 3 cấp phó.
Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước dẫn ra các nước Mỹ, Nhật Bản nhiều việc không phải cấp bộ mới có quyền giải quyết mà đại diện của Bộ hay Tổng Cục có thể làm. "Không phải việc gì cũng nhất thiết Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết. Vì thế, luật cần giao thêm thẩm quyền cho Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng để giải quyết các công việc, bởi trong thời điểm hiện nay không thể tăng thêm số thứ trưởng" - ông Phước đề xuất.
Ông Phước cũng kiến nghị rà soát lại quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, vì nhiều quyền hạn thuộc trách nhiệm của tập thể Chính phủ nhưng lại đưa vào trong quyền hạn của Thủ tướng. Ông Phước phân tích việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hay số lượng công chức, viên chức là quyền của Chính phủ, tại sao lại đưa vào quyền của Thủ tướng, bởi Thủ tướng chỉ là thay mặt cho Chính phủ ký các quyết định ban hành.
Về danh sách các bộ, cơ quan ngang bộ có thể xê dịch, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu tại kỳ họp QH vào tháng 10-2014 vừa qua, nhiều đại biểu QH băn khoăn "đến khi nào thì chốt lại được số bộ, ngành?". Ông Hiển đề nghị luật cần quy định cứng các bộ, ngành, còn còn về sau tùy vào hình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì có thể tăng lên hoặc giảm xuống, "chứ như hiện nay thì người ta băn khoăn lắm". "Hiến pháp mới quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước QH về các quyết định của mình. Vì thế, quan điểm này cần phải được ghi vào trong Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) - ông Hiển góp ý.
Về cơ cấu bộ ngành trong dự luật, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: "Còn quá mờ nhạt, phải luật hóa có bao nhiêu bộ vào trong luật. Còn sau này thêm bộ nào thì sửa một vài điều của luật".
Bà Ngân cho biết đất nước đã giải phóng 40 năm nhưng có một số lĩnh vực chưa có quản lý nhà nước, và dẫn ra trường hợp đất nước New Zealand có 4 triệu dân nhưng có bẳn Bộ phụ nữ, dân số và trẻ em. "Hiện Việt Nam không có ai quản lý nhà nước về vấn đề phụ nữ mà chỉ giao cho Hội phụ nữ Việt Nam trong khi có đến 50 triệu phụ nữ chiếm 52% dân số. Đã đến lúc chúng ta cần đề cập đến vấn đề này và cần đưa nguyên tắc bình đẳng giới vào trong luật" - bà Ngân nói.
Bộ trưởng phải báo cáo trước nhân dân
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu khoản 2 Điều 99 của Hiến pháp quy định “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý”. Vì vậy, trong dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ hơn theo hướng khi cần thiết hoặc khi có vấn đề quan trọng phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải báo cáo nhân dân trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bình luận (0)