Không ai phủ nhận những ý nghĩa và giá trị tốt đẹp của lễ hội ở nước ta. Với sự phong phú và đa dạng, gắn chặt với đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, lễ hội đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Dù mỗi lễ hội mang màu sắc, nội dung, giá trị riêng… nhưng nhìn chung đều hướng tới những giá trị thiêng liêng như tôn vinh các vị anh hùng, tiền nhân có công chống ngoại xâm, khai khẩn đất đai, mở mang sản xuất, chống thiên tai, cứu nhân độ thế hay để cầu an, cầu phúc. Lễ hội cũng là dịp để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu, khắc ghi công lao của bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước.
Thế nhưng, cũng có thể thấy rằng ít quốc gia nào trên thế giới có nhiều lễ hội như nước ta. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và số ít các lễ hội khác, như lễ hội du nhập cũng có tới khoảng 30. Tuy nhiên, đây mới là con số có thể thống kê được bởi ngoài ra, có thể còn những lễ hội nội bộ như ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ... mà chẳng ai tính được. Song chỉ với con số thống kê được thì tính ra trung bình mỗi ngày trên nước ta diễn ra khoảng 22 lễ hội.
Không biết trên thế giới có bao nhiêu nước có thể sánh hay vượt nước ta về khoản hội hè đình đám. Nhưng có lẽ không nhiều bởi ngay như quốc gia có nhiều nét văn hóa tương đồng, song cả số dân và diện tích đều hơn nước ta cả chục lần như Trung Quốc cũng có khoảng 10.000 lễ hội.
Quá nhiều lễ hội ở nước ta nên trong số đó có không ít lễ hội dạng “phú quý sinh lễ nghĩa”, thậm chí tầm phào, vô bổ… Điều đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa ngày càng nặng nề trong việc tổ chức các lễ hội. Nhăm nhăm vào hiệu quả kinh tế đã khiến lễ hội ngày càng biến tướng, kể cả các lễ hội tầm cỡ quốc gia, đang dần làm mai một giá trị và ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Như vậy, quá nhiều lễ hội đang đưa tới những mặt trái không mong muốn, khiến nó ngày càng xô bồ, bát nháo, lãng phí tiền của và thời gian không ít của hàng triệu người.
Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng bội thực lễ hội. Đúng như Thủ tướng yêu cầu trong cuộc họp Chính phủ đầu tiên của năm mới Ất Mùi 2015, cả nước phải tích cực rà soát lễ hội nào tốt đẹp, ý nghĩa thì duy trì; lễ hội nào lạc hậu, mê tín, tiêu cực cần kiên quyết loại bỏ cho dân nhờ.
Bình luận (0)