Đề án thí điểm quảng cáo bên ngoài thân xe buýt ở TP HCM đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và riêng trong năm 2014 có hàng chục cuộc họp giữa các sở, ngành chức năng. Đến nay, dù chỉ thí điểm trên 10 tuyến xe buýt với 156 xe nhưng vẫn còn phải chờ HĐND TP thông qua vào kỳ họp tháng 6 tới.
Giới bác sĩ luôn biết đến khái niệm “giờ vàng” trong việc cấp cứu. Chậm trễ 1 giây trong việc cấp cứu đôi khi 1 mạng người mất oan.
Lính cứu hỏa Việt Nam đều biết đến vụ cháy chợ Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) đầu năm 2014. Bốn phút sau khi nhận tin, lực lượng cảnh sát chữa cháy với đầy đủ phương tiện có mặt nhưng chợ Phố Hiến đã chìm trong biển lửa. Hơn 50 tỉ đồng hàng hóa, tài sản biến thành tro bụi khiến hàng trăm hộ kinh doanh trắng tay mà nguyên nhân thiệt hại được khẳng định là do tin báo cháy đã chậm đến 7 giờ.
Khi thực hiện dự án metro số 1 đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Bình Dương, có khoảng 1.000 hộ dân, đơn vị bị ảnh hưởng phải giải tỏa nhưng chỉ vì một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương chưa chịu bàn giao mặt bằng (gần 2 ha) mà nhà thầu lên tiếng đòi chủ đầu tư phải bồi thường 2,5 tỉ đồng/ngày.
Thân nhân của bệnh nhân không dễ gì bỏ qua đội ngũ thầy thuốc chậm trễ trong cấp cứu khiến người nhà của họ tử vong, thậm chí họ sẵn sàng bao vây, tấn công cả bệnh viện. Những hộ kinh doanh ở chợ Phố Hiến không dễ gì im lặng nếu chính quyền tỉnh Hưng Yên không có những động thái chia sẻ thiết thực với họ, thậm chí xuất cả ngân sách để hỗ trợ. Nhà thầu của dự án metro số 1 tại TP HCM cũng không thể im lặng bởi việc chậm trễ bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công mà họ cam kết.
Những chuyện như vậy xảy ra dày đặc trong cuộc sống và luôn cần đến một sự sòng phẳng. Sòng phẳng trong cách nhìn nhận, xử lý vấn đề và cả quy trách nhiệm bởi sự chậm trễ đã gây ra những mất mát sát sườn với quyền lợi cá nhân, tập thể hoặc cụ thể một nhà thầu.
Nhưng có những sự chậm trễ gây thiệt hại rất rõ mà chưa thấy đề cập đến chuyện truy trách nhiệm. Quá chậm trễ trong việc triển khai quảng cáo trên xe buýt ở TP HCM là một ví dụ.
Nhiều người chỉ rõ trong bối cảnh TP trợ giá cho xe buýt tăng qua các năm trừ năm 2013 (2010: hơn 732 tỉ đồng, 2011: 1.261 tỉ đồng, 2012: 1.289 tỉ đồng, 2013: 1.158 tỉ đồng), chỉ cần lấy giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt ở mức thấp nhất theo dự kiến của Sở Giao thông Vận tải đưa ra (51 triệu đồng/xe/năm) thì nguồn thu được từ quảng cáo trên xe buýt đã khoảng 127 tỉ đồng/năm.
Đấy là thiệt hại thấy rất rõ về mặt kinh tế. Vậy thì vì sao TP vẫn chậm triển khai khi hơn chục năm trước từng cho phép quảng cáo trên xe đò loại 54 chỗ và đã mang lại hiệu quả nhất định? Phải chăng vì thiệt hại này không của riêng ai?
Bình luận (0)