Gánh nặng trạm thu phí BOT là một trong những nội dung nổi bật được các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội DN phản ánh trong tổng số 274 kiến nghị vừa gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp gỡ DN dự kiến diễn ra trong tháng 5-2017.
Sợ phí nên trốn trạm
Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho rằng việc giảm chi phí cho DN theo Nghị quyết 35 chưa đi vào thực tế và còn chậm. Các nhà đầu tư sẽ hạn chế đầu tư vào ĐBSCL nếu không được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giãn thời gian thu phí của các dự án từ 10 năm lên 15 năm và mức phí giảm tương ứng còn 70% với trường hợp các thạm thu phí quá dày như hiện nay ở khu vực này.
Theo Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, ở đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, DN sợ phí nên trốn trạm, phải chạy tuyến đường vòng và đã cày phá đường nông thôn. "Sắp tới, đoạn đường từ Bạc Liêu đến Cần Thơ chưa được 120 km có đến 3 trạm thu phí, mật độ quá dày làm chi phí DN tăng cao, không còn lợi nhuận" - Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng lo ngại.
Trạm thu phí Bến Thủy 1 bị người dân phản đối do thu phí bất hợp lý Ảnh: Đức Ngọc
Hiệp hội DN quận Hải An, TP Hải Phòng thẳng thắn cho rằng việc lập trạm thu phí BOT thời gian qua tại một số tuyến đường đã gây ra không ít điều tiếng. Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước sau khi kiểm toán một loạt dự án BOT đã có kết luận và chỉ ra nhiều sai phạm.
"DN đề nghị nhà nước cần nhanh chóng có kết luận chính thức, yêu cầu các DN đầu tư dự án BOT và trực tiếp là Bộ GTVT xử lý những vấn đề liên quan đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận" - Hiệp hội DN quận Hải An kiến nghị.
Dẫn ý kiến của các DN thành viên, Hiệp hội DN quận Hải An đề nghị cần giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, đặc biệt đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Biện pháp này vừa thu được phí đối với các loại xe vận tải hàng hóa vừa giúp một lượng lớn xe container và tài xế bỏ dần thói quen tránh các cung đường phải nộp phí. Ngược lại, cứ để thu phí tràn lan như hiện nay thì DN sẽ tiếp tục né trạm, tuyến tỉnh lộ, huyện lộ lại bị cày nát, hệ lụy là nhà nước phải chi thềm tiền cải tạo, khôi phục.
Bình luận về những đề xuất của các hiệp hội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng DN đặt ra vấn đề như vậy là hợp lý vì chi phí đầu vào của họ quá cao. "Mọi hành động hiện nay đều phải hướng tới mục đích cố gắng giảm chi phí cho DN, kể cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức, chi phí liên quan đến hạ tầng, liên quan đến vận tải, logistics cũng phải điều chỉnh" - ông Lộc nhấn mạnh.
Muốn đặt trạm phải lấy ý kiến người dân
Thời gian qua, tình trạng người dân tập trung phản đối tại các trạm thu phí BOT diễn ra căng thẳng trên diện rộng. Mới nhất, ngày 4-5, hàng trăm người dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã điều khiển gần 100 ô tô di chuyển chậm, dùng tiền lẻ 500-1.000 đồng để mua vé khi đi qua trạm thu phí Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) để phản đối việc thu phí BOT.
Trước đó, tại Nghệ An, từ tháng 12-2016 đến tháng 4-2017, nhiều lần người dân đưa hàng trăm ô tô đến trạm thu phí Bến Thủy để phản đối việc họ không đi trên đường BOT nhưng vẫn phải đóng phí. Hàng loạt các trạm BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm BOT Lương Sơn (QL6, tỉnh Hòa Bình), trạm thu phí QL32 (huyện Tam Nông, Phú Thọ)… cũng xảy ra cảnh tương tự.
Trả lời về trách nhiệm của Bộ GTVT đối với việc người dân không đi trên đường nhưng vẫn phải trả phí BOT, gây bức xúc trong dư luận, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng trước khi đặt trạm thu phí và đưa ra phương án tài chính đều có thỏa thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương. Tuy nhiên ông Trường cũng nhìn nhận qua giám sát của Quốc hội, việc thỏa thuận này mới dừng ở cấp HĐND, UBND; còn việc lấy ý kiến của người dân hầu như không có.
"Địa phương thì mong muốn có đường, muốn có dự án BOT chạy qua để thúc đẩy kinh tế. Địa phương phải chịu trách nhiệm với người dân về quyết định này nhưng thực tế thì chính địa phương cũng không giải thích nổi" - ông Trường nêu thực tế. Vì vậy, theo ông, từ nay về sau, việc lấy ý kiến cộng đồng là một trong số những yêu cầu để Bộ GTVT quyết định có đầu tư BOT ở địa phương đó hay không.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhìn nhận việc người dân, DN bất bình thể hiện rõ sự bất cập trong việc đặt trạm thu phí. "Nhà nước, nhà đầu tư nói đúng quy trình nhưng quy trình có vấn đề. Người dân sống quanh trạm BOT, hằng ngày đi qua nhiều lần, mỗi lần đi qua lại thu phí thì không thể chấp nhận được" - ông thẳng thắn.
Ông Thanh đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT là phải lấy ý kiến người dân khi lập trạm BOT.
Trình Thủ tướng đề xuất giảm phí
Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thu phí đối với người dân khu vực đặt trạm BOT, áp dụng trên toàn quốc. Theo đó, đối với những xã nằm 2 bên trạm thu phí sẽ giảm 100% giá vé, còn với 2 huyện lân cận thì giảm 50%; các đối tượng khác thực hiện giảm phí theo quy định khi mua vé quý, vé tháng.
Bình luận (0)