Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã lên án hành vi sai trái của Trung Quốc khi đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Cựu Phó Đô đốc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản Yoji Koda nhận định Trung Quốc đã hiểu sai khi coi sự im lặng tương đối suốt 40 năm qua (từ sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974) đồng nghĩa với việc Việt Nam từ bỏ yêu sách đối với quần đảo này nên đã đơn phương triển khai giàn khoan Hải Dương 981. “Trung Quốc đã phạm phải một sai lầm chiến lược nghiêm trọng” - ông Yoji Koda nhận định. Đồng quan điểm, GS Ji You, nghiên cứu viên cấp cao Viện Đông Á - ĐHQG Singapore, cho rằng sự kiện này đã khiến Trung Quốc phải trả giá lớn. “Việc Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn dự kiến phản ánh một mức độ suy đoán sai lầm của các nhà hoạch định chính sách, những người có thể đã đánh giá thấp hậu quả của động thái này” - GS Ji You nhận định.
Trong quá trình hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã sử dụng hạm đội tàu cá bên cạnh các tàu chấp pháp và tàu quân sự có lúc lên đến 100 chiếc. GS Carl Thayer đến từ ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng lực lượng này là cánh tay trên biển thứ ba của Trung Quốc, đóng vai trò tai mắt cho các nhà chức trách. Ông cho rằng việc sử dụng tàu cá để khẳng định yêu sách chủ quyền là thách thức nghiêm trọng đối với trật tự trên biển và cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hiện có 11 cơ quan trong ASEAN liên quan đến các vấn đề biển nhưng không giải quyết trực tiếp hoạt động của các lực lượng chấp pháp dân sự, giàn khoan, tàu cá và các vấn đề kinh tế thương mại.
Trong bối cảnh như vậy, theo cựu Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hạm đội Hải quân miền Đông Ấn Độ, hành động tốt nhất cho các quốc gia đó là tìm kiếm sự giải quyết công bằng thông qua Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa Trọng tài thường trực. n
Bình luận (0)