Theo đó, người lao động khi thôi việc nếu đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì có thể chọn lựa giữa lãnh trợ cấp một lần hoặc bảo lưu để tiếp tục đóng và hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Đây là một tin rất vui đối với hàng triệu CNVC-LĐ cả nước. Riêng với những người làm báo chúng tôi thì hạnh phúc đó như được nhân đôi.
Cảm giác vui sướng giống như cách nay 12 năm, Chính phủ đồng ý sửa đổi Nghị định 01/CP cũng với nội dung tương tự; và cũng giống như cách nay 9 năm khi Chính phủ đồng ý tăng lương tối thiểu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau một thời gian dài lương tối thiểu của khu vực này án binh bất động. Trong 2 lần trước, báo chí cũng đã vào cuộc quyết liệt, góp phần cùng tổ chức Công đoàn và người lao động có tiếng nói để Chính phủ điều chỉnh những quy định chưa phù hợp.
Lần này cũng vậy. Trong sự kiện “công nhân phản ứng điều 60 Luật BHXH năm 2014”, báo chí - nhất là Báo Người Lao Động chúng tôi - đã có tiếng nói rất quan trọng để chuyển tải nguyện vọng của người lao động đến Chính phủ, Quốc hội. Những ý kiến có lý, có tình, sâu sát thực tiễn đã được Quốc hội lắng nghe với tinh thần cầu thị. Một nghị quyết sẽ được ban hành, đáp ứng nguyện vọng của số đông công nhân lao động, góp phần ổn định tâm lý người lao động, chắc chắn sẽ góp phần ổn định sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, của toàn bộ nền kinh tế.
Tuy vậy, với số đông người lao động, họ mong rằng nghị quyết không chỉ giới hạn đến năm 2020 mà quy định này sẽ luôn mở để người lao động được quyền lựa chọn. Mong muốn này hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tiễn cuộc sống. Chúng tôi tin rằng khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống mọi mặt được nâng lên, chắc chắn đại đa số người lao động sẽ chọn bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu chứ không nhận trợ cấp một lần.
“Chúng tôi hiểu rất rõ mục tiêu của chính sách BHXH, ai cũng muốn về già được an nhàn. Tuy nhiên, cuộc sống hiện tại quá bức bách, buộc chúng tôi phải chọn nhận trợ cấp một lần. Nếu 10, 20 năm nữa, đời sống khá hơn, tiền lương đủ sống, có dư để tích lũy, chắc chắn người lao động sẽ chọn đóng bây giờ để hưởng về sau, nhà nước chẳng cần phải ép buộc bằng một quy định mang tính hành chính” - chị Lê Thị Lan, công nhân Công ty Pou Yuen, tâm sự.
Rồi đến một ngày nào đó, những công nhân như chị Lan không phải ăn hôm nay, lo ngày mai như bây giờ. Mong lắm thay!
Bình luận (0)