Bộ Công Thương ngày 8-11 đã công bố thông tin về kết quả kiểm tra hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) trong việc thông tin khảo sát nước mắm.
Được tài trợ từ bên ngoài
Đây cũng là kết quả của đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với VINASTAS được thành lập hôm 24-10 với sự tham gia của liên ngành các cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Theo kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành, việc khảo sát nước mắm của VINASTAS không bảo đảm tính độc lập, tin cậy và minh bạch. Báo cáo kết quả kiểm tra cho thấy mặc dù hoạt động nhân danh VINASTAS nhưng khi thực hiện không xây dựng đề án, kế hoạch khảo sát rõ ràng; khảo sát chủ yếu do chủ tịch và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của VINASTAS phê duyệt và giám sát.
Báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành cũng chỉ ra quá trình lấy (mua) mẫu của VINASTAS thiếu tin cậy. Trong đó, toàn bộ 150 mẫu đã mua không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính. 89 mẫu chỉ có hóa đơn bán lẻ, hóa đơn bán hàng, bản kê bán hàng của nơi bán; 61 mẫu chỉ có bảng kê do cán bộ đi mua tự lập. Ngoài ra, có sự không thống nhất trong quá trình mã hóa mẫu; một số mẫu không được mã hóa trước khi yêu cầu thử nghiệm.
“Theo thông tin do VINASTAS cung cấp, hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài, vì vậy không bảo đảm tính độc lập như quy định tại điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - báo cáo kết quả của đoàn kiểm tra chỉ rõ.
Đánh giá về nội dung thông tin do VINASTAS cung cấp, đoàn kiểm tra cho rằng việc hội này đồng nhất khái niệm asen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín” - một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học và gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng. Đặc biệt, bài “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” trên trang web của VINASTAS ngày 18-10 có nội dung “104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc” là hoàn toàn không chính xác, không có căn cứ khoa học và pháp lý, gây hoảng loạn và bức xúc trong xã hội.
Đoàn kiểm tra cũng nhấn mạnh việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của VINASTAS có dấu hiệu vi phạm quy định tại Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.
Căn cứ kết quả kiểm tra và các đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VINASTAS cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung thông tin sai lệch về khảo sát “nước mắm nhiễm asen” gây hoang mang trong dư luận; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo điều lệ các cá nhân liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao Bộ Nội vụ làm rõ tư cách pháp lý của VINASTAS trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức kiểm tra việc chấp hành điều lệ đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động; giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của VINASTAS theo quy định pháp luật.
Úp mở, “có vấn đề”!
Bên hành lang Quốc hội chiều 8-11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng việc được công bố thông tin kết quả kiểm tra đối với VINASTAS đến mức nào phải dựa trên quy định pháp lý. Tuy nhiên, không công khai thông tin có thể khiến người dân, công luận suy đoán, suy diễn theo các chiều hướng khác và như vậy sẽ không có lợi bằng việc thông tin công khai.
Bà Phong Lan cũng nhận định việc công khai thông tin còn có giá trị để rút kinh nghiệm cho các trường hợp khác, tránh lặp lại bài học đã xảy ra. “Trước đã có chuyện nước tương 3-MCPD rồi. Nếu làm được thì làm tới, công bố rõ ràng đi. Không kết tội nhưng phải giải thích được động cơ nào để làm chuyện đó. Đây là vấn đề luật pháp, đoàn kiểm tra kiểm tra xong thì quyền họ công bố đến mức nào thì cũng có luật định hết. Cứ úp úp mở mở cũng kỳ” - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nhận xét.
Bà Phong Lan đánh giá vụ việc gây ảnh hưởng đến người dân không chỉ tính bằng tiền mà còn thiệt hại về tinh thần cùng nhiều thứ khác. Do đó, không thể chỉ cải chính hay xin lỗi là xong. “Căn cứ trên kết quả kiểm tra, các bộ quản lý việc này phải có ý kiến. Theo đó, trách nhiệm của VINASTAS trong việc này là đến đâu? Nếu như tìm ra đơn vị tài trợ thì có chứng minh được có động cơ nào không, bởi nếu nhà tài trợ có mục đích tốt thì chẳng có vấn đề gì cả” - bà đặt vấn đề.
Phân tích rõ thêm về hoạt động tài trợ từ phía các đơn vị, doanh nghiệp đối với các hội, bà Phong Lan cho hay việc này không bị cấm và cũng không thể chối bỏ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, sử dụng tài trợ ra sao cần có sự cân nhắc, hài hòa.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần nêu tên cơ quan tài trợ một cách công khai. Theo ông, cơ quan tài trợ phải là cơ quan độc lập, một tổ chức xã hội nhằm mục đích khoa học để bảo đảm công bằng, khách quan. Còn cơ quan tài trợ nếu là doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nước mắm, thì hành vi tài trợ đó, kết quả công bố đó là có vấn đề.
“Có thể người ta đã lợi dụng việc công bố kết quả đó để cạnh tranh không bình đẳng. Việc này nếu có thì cần phải xử lý nghiêm túc. Tôi hy vọng Bộ Công Thương sẽ vì lợi ích chung, vì tính trong sáng và nghiêm túc của pháp luật. Để bảo đảm tính cạnh tranh của pháp luật thì sẽ công bố tên của nhà tài trợ đó ra” - TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Cũng có thể đặt dấu hỏi là bao nhiêu chuyện khác công khai được, cái này có gì đâu mà không công khai? Dám làm dám chịu chứ?” - đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đặt vấn đề.
Bình luận (0)