Hôm 14-5, máy biến áp AT1 500 KV thuộc trạm biến áp Hiệp Hòa (Bắc Giang) bị sự cố pha A phải tách khỏi vận hành, được khắc phục và vận hành trở lại sau 36 giờ.
Ngay sau đó, ngày 21-5, cũng tại trạm biến áp Hiệp Hòa, máy biến áp AT2 bị sự cố pha B tách khỏi vận hành, gây gián đoạn cung cấp điện trên lưới 110 KV trong khoảng 40 phút. Có 8 tỉnh bị ảnh hưởng từ sự cố này với tổng công suất thiếu hụt là 594 MW. Sau các sự cố liên tiếp này, khu vực phía Bắc tuy vẫn được cấp điện bình thường nhưng chất lượng điện áp thấp, đặc biệt là vào giờ cao điểm (chỉ từ 99-104 KV). Được biết, máy biến áp này mua từ nhà thầu Tây An (Trung Quốc).
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến sự cố, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng quá tải điện áp là lý do dẫn đến trục trặc tại trạm biến áp. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng với nhu cầu điện áp rất lớn trong khi trang thiết bị chưa thể kịp thay đổi đã dẫn tới căng thẳng phụ tải trên đường dây và máy biến áp. Cũng theo ông Ngãi, tổng lượng điện thương phẩm nội địa trong tháng 5 đã đạt khoảng 10,563 tỉ KWh (tăng 10,27% so với cùng kỳ năm 2013). Trong khi đó, mạng lưới điện dày đặc nên việc cập nhật tình hình tăng phụ tải đến từng thôn, xóm không hề dễ dàng. Và, mặc dù đường dây 500 KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đã đóng điện, bảo đảm cung ứng cho phía Nam, đồng thời năm nay dự phòng điện đạt 20% (tương đương 2.000 MW) nhưng áp lực chuyển điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam vẫn rất lớn. “Nhu cầu điện lớn, hệ thống lưới điện dày đặc nên sự cố gián đoạn điện là khó tránh khỏi” - ông Ngãi nói.
Mới đây, ngày 4-6, tại Hà Nội, mưa lớn kèm giông sét đã khiến cây đổ vào trạm điện đường dây 110 KV gây mất điện tại một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa. Trước đó, mưa lớn kèm giông cũng gây sự cố lưới điện trên đường dây 110 KV thuộc trạm biến áp 110 KV Chèm khiến nhiều khu vực mất điện trong vòng 1-2 giờ.
Chưa kể đến hành vi lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cung ứng điện cho người dân. Đơn cử như ngày 26-4, khi cải tạo mương thoát nước lưu vực sông Kim Ngưu (Hà Nội), đơn vị thi công đóng cọc vào cáp ngầm làm toàn bộ khu vực phường Vĩnh Tuy và một phần quận Hoàng Mai với 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng cấp điện. Thống kê của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho thấy 5 tháng đầu năm đã xảy ra 60 sự cố trên lưới điện, nguyên nhân là do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.
Công nghệ kém, dễ hỏng hóc
Theo ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, việc nhập khẩu công nghệ kém chất lượng, dễ trục trặc, hỏng hóc hoặc chọn nhà thầu giá rẻ trong các dự án năng lượng cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn cung ứng điện. “Tiền nào của nấy, rẻ thì chất lượng khó cao. Nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đang vận hành tốt nhưng không có nghĩa là bảo đảm chất lượng trong tương lai. Do đó, Việt Nam vẫn có nguy cơ đối mặt với trục trặc cấp điện” - ông Long nói.
Bình luận (0)