Ngày 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch.
Nhiều ý kiến chưa thuận
Đáng chú ý, dự án Luật Quy hoạch đã được Chính phủ trình ra Ủy ban Thường vụ QH lần thứ 2. Cũng như lần trước, dự luật này lại nhận được những ý kiến trái chiều, băn khoăn từ chính đại diện một số bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng về kinh phí lập quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có kinh nghiệm, có tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cấp tiền; cũng có hiệu quả, chưa phát hiện dự án nào lồng ghép lợi ích của doanh nghiệp bỏ tiền lập quy hoạch. Tình trạng thiếu vốn lập quy hoạch ở các địa phương rất lớn, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Nếu xóa bỏ kinh phí xã hội hóa, lập quy hoạch sẽ rất khó khăn. Vì thế, nên cân nhắc quy định chỉ được dùng ngân sách lập quy hoạch.
Theo Thứ trưởng Toàn, mối quan hệ giữa các quy hoạch sẽ có những thực tế phát sinh, nếu quy định cứng quy hoạch cấp dưới phải theo quy hoạch cấp trên thì có thể làm chậm sự thay đổi. Luật Quy hoạch ra đời có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn quy hoạch lớn, quy hoạch của thành phố, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, tỉnh... Luật Đô thị và Luật Xây dựng bao giờ cũng có tầm nhìn xa, nếu lập lại quy hoạch sẽ rất tốn kém.
Trước những ý kiến của đại diện các bộ, ngành, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: “Luật do Chính phủ trình ra nhưng nhiều bộ có ý kiến khác chứng tỏ luật chưa ổn. Nếu làm luật thế này thì chất lượng không bảo đảm”.
Chủ tịch QH lưu ý phải lắng nghe các ý kiến khác nhau trong quá trình làm luật, đồng thời nhấn mạnh dự thảo luật còn thiếu một nguyên tắc rất quan trọng là để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Luật ra đời phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán và lãng phí trong quy hoạch.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết dự án luật đưa ra 2 lần đều có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trong hồ sơ tờ trình, chỉ duy nhất Bộ trưởng Bộ Xây dựng thể hiện rõ không đồng tình, các bộ khác đều đồng tình nhưng không hiểu sao khi ra Ủy ban Thường vụ QH lại có nhiều ý kiến khác nhau.
“Trăm hoa nở rộ”, băm nát mọi thứ
Bất ngờ trước sự không thống nhất về một số điểm của dự án Luật Quy hoạch từ một số bộ, ngành, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cơ quan chủ trì soạn thảo luật, khẳng định Chính phủ đã bàn rất nhiều, sau đó lấy phiếu thống nhất cao mới trình ra Ủy ban Thường vụ QH. Ông Dũng nhắc lại việc Thủ tướng từng phê bình các bộ về việc này, như thể cứ “đẽo cày giữa đường”.
“Bàn chán rồi ra QH nói ngược lại, nói khác là trái nguyên tắc. Tôi không nghĩ các bộ hôm nay còn nói lại như thế. Hôm nay, tôi đi họp với tinh thần rất sảng khoái, không nghĩ nghe ý kiến nói ngược thế này” - ông Dũng trải lòng.
Người đứng đầu ngành KH-ĐT thẳng thắn nêu rõ trước một thay đổi phù hợp với xu thế, giải quyết các tồn tại, bất cập thì thay đổi ấy chắc chắn động chạm đến quyền lực, lợi ích của một cơ quan, một nhóm người nào đó. Cơ quan đó, con người đó có thể chưa hiểu hết hay có chút ảnh hưởng đến công việc của mình nên không muốn thay đổi, dẫn đến chưa một lòng đồng tình và gây nên sự trì trệ, chậm chạp.
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT phân tích: “Ở nhiều nước, làm luật là một cơ quan độc lập không bị chi phối nhưng ở Việt Nam, các cơ quan làm luật chỉ chủ yếu xem có ảnh hưởng gì đến cơ quan của mình, ảnh hưởng lợi ích của mình hay không chứ ít theo hướng thay đổi để tốt hơn cho xã hội. Giờ quay lại các quy hoạch, muốn giữ lại các quy hoạch. Tôi nói rất nhiều lần rằng giảm các quy hoạch, giảm “xin - cho” đi nhưng giờ mỗi bộ lại một ý kiến, tôi cho là không phù hợp”.
Nêu lại ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần có quy hoạch biển, trạm kiểm dịch động vật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thẳng là không phù hợp. Theo ông, không nên xây dựng cố định trạm, chỉ khi nào có dịch thì lập lên, xong rồi bỏ đi. Phải mạnh dạn điều chỉnh, chỉ lấy cái thực sự cần, không cần thì bỏ. Còn quy hoạch không gian biển, các nước đều có, thực ra chỉ là tập hợp 2 quy hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm hiện nay cho phù hợp thông lệ quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến góp ý về lý thuyết, mọi ngành đều phải có quy hoạch nhưng thực tế quản lý không tốt nên quy hoạch như “trăm hoa nở rộ”, băm nát mọi thứ. “Bây giờ phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm… phải tuân thủ. Luật này quy định quy hoạch tổng thể, nguyên tắc lập quy hoạch với mục đích không để quy hoạch này chồng lên quy hoạch kia, mâu thuẫn với nhau, băm nát quy hoạch khác” - ông Chiến nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, việc dự thảo luật “tham vọng” điều chỉnh tất cả quy hoạch chuyên ngành thì quá rộng nên cần nghiên cứu lại.
Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục lắng nghe để sớm hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch trình ra hội nghị đại biểu QH chuyên trách tới đây. Dự luật phải tạo được sự đồng thuận cao chứ không để còn những ý kiến gây xung đột và kỹ thuật lập pháp bảo đảm chặt chẽ hơn.
Chẳng lẽ cho thuê cả Hội trường Diên Hồng!?
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
Về quy định tài sản công chưa sử dụng hết công năng có thể cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết..., Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho rằng chỉ một số loại tài sản công khi khai thác không làm ảnh hưởng đến quản lý, thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành cho phép thì mới được khai thác, như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, nhà công vụ... Với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc cho phép cho thuê, kinh doanh dịch vụ sẽ giảm bớt áp lực cho ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Chưa đồng tình với dự thảo luật, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quy định như vậy là chưa rõ ràng. “Hội trường Diên Hồng trong tòa nhà QH một năm chỉ có 2 kỳ họp QH nên chiếu theo dự luật sẽ cho thuê lại để khai thác hết công suất. Như vậy là không ổn và cần lập danh mục tài sản cụ thể được cho thuê” - ông Phúc kiến nghị.
Về quy định khoán kinh phí sử dụng xe công, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH thống nhất không nên tách riêng mà giao Chính phủ quy định mức khoán do đây là cơ quan quản lý thống nhất về kinh tế. Các thành viên thống nhất sửa tên dự luật thành Luật Quản lý tài sản công.
Bình luận (0)