Ngày 22-10, Quốc hội (QH) dành 1 ngày để thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016; về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Phải cắt hết khoản chi vô lối để tăng lương
Vấn đề ngân sách eo hẹp dẫn đến chưa thể tăng lương cơ sở trong năm 2016 đã làm “nóng” nhiều tổ thảo luận.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Minh (TP HCM) đề nghị Chính phủ có giải trình rõ ràng về vấn đề chưa tăng lương cơ sở vào năm 2016. “Tôi không biết trả lời cử tri ra sao bởi nói là ngân sách không bố trí được nguồn để tăng lương thì năm 2015 cũng đã nói như vậy. Sau 3 năm, lương không tăng nhưng giá cả tăng thì sống bằng cái gì?” - ông trăn trở. ĐB Nguyễn Văn Minh cũng kiến nghị tiết giảm các chi phí để bảo đảm thực hiện lộ trình điều chỉnh lương.
Tán đồng, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) hiến kế Chính phủ nên mạnh dạn đề nghị cắt hết các khoản tốn kém như: tiếp khách, học hỏi kinh nghiệm, sơ kết, kỷ niệm ngành, đi nước ngoài… ; đừng biến chuyện đi nghiên cứu thành du lịch để nhà nước trả tiền. ĐB Trần Du Lịch đề nghị QH bàn thẳng vào việc xem xét các khoản cần cắt để năm 2016 giải quyết vấn đề tiền lương.
“Đâu đâu cũng thấy kỷ niệm. Đều là tiền ngân sách, tiền thuế của dân cả, ai bỏ tiền túi ra đâu? Chưa kể thực hiện theo các luật mới thì dự kiến còn phình thêm nữa. Vậy lấy gì để tăng lương?” - ĐB Trần Du Lịch gay gắt.
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề xuất cấp thiết phải cải cách toàn diện chế độ tiền lương, tách bạch lương doanh nghiệp và lương hành chính. Cần trả lương xứng đáng cho từng vị trí, con người cụ thể thì công việc sẽ hiệu quả hơn chứ không phải là cào bằng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ông Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), đánh giá lương cơ sở hiện không phản ánh đúng mức sống thực của công nhân, viên chức; đáng ra cần phải tăng lương rồi nhưng vì ngân sách chưa có nguồn nên phải “nhịn”. Tuy nhiên, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng năm 2014, khi bàn chuyện tăng lương hưu, lẽ ra chỉ tập trung vào nhóm hệ số lương dưới 2,34 nhưng Chính phủ lại tăng đồng loạt 8% .
“Một cựu lãnh đạo doanh nghiệp về hưu hưởng lương hưu tới 65 triệu đồng/tháng, sau quyết định này lại thêm 5 triệu đồng là không đúng với ý nghĩa của lương hưu”- ĐB Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận.
Ngân sách gặp khó
Về thu ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Nguyễn Đức Kiên, phân tích tỉ trọng thuế thu nhập cá nhân có xu hướng tăng. Trong khi đó, các thuế khác trong lĩnh vực thu nội địa từ sản xuất kinh doanh đều giảm. Đây là dấu hiệu cảnh báo ngân sách đang gặp khó khăn.
ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng báo cáo tài chính đưa ra một bức tranh khá thực và “trả nợ tăng lên nhanh quá”! Nhiều ĐB nói không có tiền đầu tư xây dựng phát triển bởi đã trả nợ hết. Đáng lý vốn vay phải phát huy tác dụng nhưng phát huy tác dụng ít, phần trả nợ lại tương đối nhiều.
ĐB Trần Du Lịch cũng cùng mối lo, tỏ ra sốt ruột với bài toán ngân sách nhà nước. Theo ông, đáng lo nhất là hàng chục năm qua, chúng ta phải đi vay nhưng cuối cùng vay chỉ đủ chi thường xuyên. “Khi đi vay, chúng ta phải vay đồng tiền “cái” để nó đẻ được chứ không vay đồng tiền “đực” không đẻ được. Đây là vấn đề lớn nhất” - ĐB Lịch chỉ ra.
Trước sự chứng kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh thông tin “tình hình ngân sách năm 2016 rất căng thẳng”. “Tư lệnh” ngành KH-ĐT trải lòng: “Sau khi trừ hết các khoản, ngân sách còn dư 45.000 tỉ đồng thì không biết phải làm gì, chưa nói đến trả nợ. Trả nợ xong, gần như không có tiền để làm gì cả”.
Nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ KH-ĐT, Chủ tịch QH bày tỏ: “Cân đối như vậy thì làm sao “phát triển bền vững”! Đã thế, trong vay nợ lại còn vay ngắn, chưa vay đã trả thì lấy gì mà cân đối! Đấy là chưa nói năm nay, chúng ta chưa có đồng nào tăng lương”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ bổ sung tỉ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng, dẫn đến áp lực tăng nợ công. Vì vậy, cần phát hành sớm 3 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế trong bối cảnh lãi suất còn thấp. Nếu chần chừ, lãi suất sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
“Kinh tế tăng trưởng, xuất khẩu dựa vào các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất lo cho nội lực. Ngay cả lợi ích mà FDI mang lại cho nền kinh tế cũng không tương xứng. Chính phủ cần làm rõ vai trò thực sự của các doanh nghiệp FDI” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Có TPP… đừng vội mừng !
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng thách thức hội nhập rất lớn mà trước mắt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với việc tự do lưu thông nguồn nhân lực, lưu thông hàng hóa… “Nhân lực, trái cây Việt Nam có thắng được Thái Lan, Malaysia…? Nguồn vốn lưu thông tự do sẽ là áp lực mạnh lên cộng đồng doanh nghiệp non trẻ. Hội nhập, cam kết mở ra thời cơ nhưng cũng rất nhiều nguy cơ, thách thức”- Phó Chủ tịch nước cảnh báo.
Trong khi đó, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ cho biết thời điểm AEC sắp đến, chủ doanh nghiệp Thái Lan kéo nhau đi học tiếng Việt để chuẩn bị đầu tư. “Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì chỉ thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của họ. TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) cũng vậy. Nhà nước, doanh nghiệp, người dân phải chuẩn bị gì? Cơ hội là “trên văn bản” nhưng thách thức là hiện hữu” - ông lo lắng.
Bình luận (0)