Phóng viên: Thưa ông, mục đích của việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo đề án TP HCM vừa ban hành là gì?
- Ông Lê Hoài Trung:
Để điều hành và quản lý đô thị lớn như TP HCM, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CB-CC) trong bộ máy hành chính nhà nước phải được nâng lên. Nhìn chung, đội ngũ CB-CC TP đã có những bước phát triển về chất. Tuy nhiên, vẫn còn phổ biến tình trạng “sắp hàng, sống lâu lên lão làng”. Tình trạng trì trệ, sức ỳ trong công tác lãnh đạo của một số CB-CC quản lý vẫn còn không ít. Trong khi đó, nhiều CB-CC trẻ hội đủ điều kiện có thể đảm nhận được các cương vị lãnh đạo, quản lý đơn vị lại thiếu cơ hội phát triển.
Do đó, thực hiện đề án này là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC trong hệ thống chính trị, trước tiên là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; tạo điều kiện, động lực để CB-CC phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; tạo tính năng động trong công tác cán bộ; thu hút những người thật sự có năng lực, đạo đức tốt từ bên ngoài cơ quan, đơn vị cùng tham gia.
Những ai được tham gia thi tuyển và điều kiện, tiêu chuẩn như thế nào?
- Đối tượng đăng ký dự tuyển là công chức, viên chức trong quy hoạch do cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển chọn giới thiệu. Công chức, viên chức thuộc các cơ quan khác của TP, có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh tuyển chọn, có quy hoạch chức danh tương đương chức danh tuyển chọn, có đơn tự nguyện đăng ký dự tuyển và được cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, được người đứng đầu cơ quan giới thiệu tham gia
dự tuyển.
Người tham gia dự tuyển phải có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn: Là công dân Việt Nam; có phẩm chất, đạo đức tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; có hộ khẩu tại TP HCM. Tốt nghiệp ĐH trở lên theo chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của chức danh tuyển chọn; có ít nhất 1 chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C hoặc tương đương và chứng chỉ tin học văn phòng trình độ B. Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên trở lên; có chứng chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp với chức vụ đăng ký dự tuyển...
Trong khi chạy chức đang là vấn nạn, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo có được coi là giải pháp cho nền hành chính hiện nay?
- Chắc chắn thi tuyển sẽ tránh được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Thi tuyển sẽ chọn người đủ tiêu chuẩn, chức danh, qua đào tạo đúng chuyên ngành; được hội đồng xét tuyển, quyết định theo đề án nên sẽ chọn được người thực tài, có năng lực đảm nhận những vị trí đó.
Thi tuyển có cạnh tranh nên sẽ khách quan hơn, chứ giờ bổ nhiệm còn lệ thuộc chủ quan. Khi thi tuyển cạnh tranh thì công khai, nhiều đối tượng tham gia và trải qua nhiều bước để đạt kết quả cuối cùng. Mặt khác, người được tuyển chọn qua thi tuyển cũng thấy tự hào hơn, danh dự và trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc hơn.
Vậy làm thế nào để việc thi tuyển được công bằng, minh bạch, không gian lận?
- Quy trình tuyển dụng được thực hiện công phu, bài bản. Đầu tiên, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuyển lãnh đạo xây dựng kế hoạch tuyển chọn. Kế hoạch tuyển chọn phải nêu cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, hồ sơ, thủ tục, kinh phí, nội dung “chương trình hành động”, chức danh, vị trí cần tuyển...
Sau khi kế hoạch tuyển chọn được cấp có thẩm quyền thông qua, sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn thẩm tra hồ sơ của người dự tuyển thuộc thẩm quyền quyết định bổ nhiệm của cấp mình; thông báo hồ sơ đủ hoặc không đủ điều kiện dự tuyển; chuyển 1 bộ hồ sơ của người đủ điều kiện đến hội đồng tuyển chọn. Bản thân người dự tuyển phải trải qua vòng sơ tuyển hồ sơ, phỏng vấn. Các bước trên đều có sự giám sát của Sở Nội vụ.
Với cách đánh giá CB-CC như hiện nay thì liệu có đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dù hình thức bổ nhiệm được thay bằng thi tuyển?
- Quan điểm của TP HCM là phải đổi mới cách đánh giá CB-CC. Cách đánh giá như lâu nay là không ổn. Nếu đã thi tuyển cạnh tranh rồi mà đánh giá theo kiểu cũ (được anh được tôi, góp ý kiến rồi bỏ phiếu) thì không chính xác.
UBND TP HCM đã ban hành quyết định quy định đánh giá, phân loại CB-CC, trong đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá từ trên xuống dưới. Quy định sẽ được áp dụng từ năm 2014. Hằng tháng, trưởng phòng đánh giá phó phòng cho đến chuyên viên. Cuối năm, trưởng phòng đánh giá từ phó phòng đến chuyên viên; còn trưởng phòng, phó giám đốc sẽ do giám đốc đánh giá; giám đốc do UBND và Thành ủy đánh giá. Đánh giá sẽ mang tính định lượng chứ không định tính.
Từ ngày 1-6 sẽ triển khai thực hiện
Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo tinh giản 100.000 công chức, trong khi TP HCM thì tuyển vào nhưng theo ông Trung, không có sự mâu thuẫn nào ở đây. Tất cả đều cùng mục tiêu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng bộ máy hành chính, chỉ khác ở cách làm và đối tượng. “Tinh giản biên chế như dự thảo của Bộ Nội vụ sẽ không giải quyết được cơ bản vấn đề. Nhiều khi nhìn trực quan thì thấy ở cơ quan này, đơn vị kia có người đi muộn về sớm; vào cơ quan thì ngồi chơi xơi nước, cà phê, thuốc lá, trưa đi nhậu, chiều nghỉ nhưng cuối năm cũng được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Cuối cùng là xử lý không được, muốn giải quyết cái gì cũng không xong. Mấu chốt vấn đề là đề án cải cách chế độ công vụ công chức. Thi tuyển là một trong các giải pháp thực hiện đề án này” - ông Trung cho biết
Theo ông Trung, trước mắt, TP HCM sẽ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong phạm vi thẩm quyền của các sở - ngành, quận - huyện. Nếu thành công, đề án sẽ mở rộng lên giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch, phó chủ tịch. Từ ngày 1-6-2014, đề án sẽ triển khai thực hiện; đến ngày 30-9-2015 tổng kết, rút kinh nghiệm.
Bình luận (0)