Đa số đại biểu (ĐB) chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những vấn đề nóng xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và kịch bản kinh tế để “thoát Trung”.
Đa dạng hóa hợp tác kinh tế
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, trước diễn biến phức tạp trên biển Đông, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó trước mắt và lâu dài; theo dõi sát diễn biến tình hình để áp dụng giải pháp phù hợp trong một số lĩnh vực có quan hệ lớn với Trung Quốc như xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, các dự án tổng thầu EPC gắn với vốn vay ưu đãi, du lịch...
Về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc, Phó Thủ tướng khẳng định đây là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói thẳng: Nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc nước láng giềng to người nhưng xấu bụng. Chính phủ đã có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ? Mặt khác, một số phần tử xấu lợi dụng biểu tình đập phá, trộm cắp tài sản, gây bất bình trong dư luận. Giải pháp gì khắc phục hậu quả, ngăn ngừa tái diễn và lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư?
Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội (QH) TP HCM, ông Trần Du Lịch, đề nghị Phó Thủ tướng nêu rõ bên cạnh các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế đang tiến hành, Chính phủ có giải pháp gì đột phá hơn để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. “Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng nền kinh tế tự chủ. Quyết tâm của Chính phủ như thế nào đối với việc này?” - ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đang thực hiện đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa. “Đến nay, chúng ta không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào. Tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh điều này. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng, không thể độc lập hoàn toàn nhưng chúng ta có tinh thần xây dựng nền kinh tế chủ động hơn, ứng phó với các tình huống” - Phó Thủ tướng nói.
Dẫn chứng từ năm 2010, Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường với 6 hiệp định thương mại lớn, Phó Thủ tướng trấn an: “Sắp tới có thêm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) giữa Việt Nam với Nga, EU, Hàn Quốc. Đến năm 2015, có thêm 16 hiệp định AFTA với 55 nước và vùng lãnh thổ… mở ra không gian rộng lớn cho thương mại phát triển đa dạng” .
Về câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ 4 trở ngại lớn nhất. Đó là thể chế và nguồn nhân lực; cải cách kinh tế theo hướng thị trường tốt hơn nữa, khắc phục mặt trái của thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh; quyết liệt tái cơ cấu trên lĩnh vực đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước.
Quốc hội ủng hộ quyết tâm của Chính phủ
Phó Thủ tướng nêu rõ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam gây ra sự bức xúc cho người dân, cho công nhân. Bên cạnh đó có tội phạm hình sự tham gia cướp bóc, trộm cắp tài sản doanh nghiệp. “Đặc biệt là bàn tay chỉ đạo của phản động, kẻ xấu đối với an ninh kinh tế của nước ta” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời để lập lại tình hình. Cụ thể đã tạm giữ hành chính gần 2.000 người, khởi tố 244 vụ và 560 bị can với tội gây rối trật tự, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó đã tiến hành nhiều giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
“Tới đây sẽ tiếp tục triển khai chính sách khác để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn như biện pháp về vốn vay, ứng trước tiền bồi thường... Đáng mừng là nhiều nhà đầu tư, công nhân của Trung Quốc, Đài Loan... đã quay lại làm việc ở Việt Nam, 100% các doanh nghiệp đã hoạt động tốt. Đấy là một số việc đã làm để lấy được niềm tin” - Phó Thủ tướng bày tỏ.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phản ánh ngư dân lo lắng về những thủ tục rườm rà, nhiêu khê và có thể có tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng. Phó Thủ tướng đồng ý với ĐB là phải cải cách hành chính tốt, tạo thuận lợi cho ngư dân. Quy định mới sẽ giao cho chủ tịch 28 tỉnh có biển cùng ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước thực hiện tốt chủ trương này và thường xuyên báo cáo kết quả với QH. “Chậm nhất đầu tháng 7 này, sẽ có nghị định để nguồn vốn này thực sự đến người dân trong thời gian sớm nhất” - Phó Thủ tướng cam kết.
Chốt lại phiên chất vấn 5 thành viên Chính phủ kéo dài 2 ngày rưỡi, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định nhiều vấn đề không mới nhưng rất nóng đưa đến hội trường QH. Năm thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn rõ ràng, cụ thể, thẳng thắn và nhận trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân trong lĩnh vực mình phụ trách. Chủ tịch QH cho rằng Chính phủ trong báo cáo bổ sung đã chỉ ra được những khuyết điểm, những yếu kém để tìm biện pháp khắc phục. QH ủng hộ tinh thần và quyết tâm của Chính phủ.
Nông sản xuất đi Trung Quốc chưa đến 20%
Bên lề QH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam.
Năm 2013, xuất khẩu nông sản đạt 27,8 tỉ USD nhưng chỉ có 5,1 tỉ USD xuất đi Trung Quốc. Đối với xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 41%. Tất nhiên, đó cũng là con số lớn nhưng Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam và chỉ là thị trường của một số sản phẩm.
Bình luận (0)