Vụ việc bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa – Hà Nội), bị tạm đình chỉ công tác do bị người dân tố gây khó dễ khi làm giấy chứng tử, thật ra không phải chuyện hy hữu trong bối cảnh nền công vụ có dấu hiệu xuống cấp - nhất là ở cấp cơ sở.
Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng áp dụng điều hành nhà nước từ hành chính "cai trị" sang "hành chính phục vụ". Nghĩa là lấy nguyện vọng cơ bản của quần chúng nhân dân làm mục tiêu hoạt động và mọi hoạt động luôn hướng đến phục vụ lợi ích cơ bản của đại đa số nhân dân.
Những tiêu chí của nền hành chính phục vụ có thể kể là xử sự một cách dân chủ, không chỉ ban hành quyết định mà còn phải thông tin đầy đủ, giải thích cặn kẽ, thấu tình đạt lý; công chức có chuyên môn, kiến thức xã hội, hiểu biết tâm lý; người lãnh đạo có trách nhiệm luôn lắng nghe dân, thực sự gần dân; tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hiệu quả, phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng; áp dụng công nghệ hành chính tiên tiến, tạo sự thuận lợi tối đa cho dân… Nói tóm lại, hành chính phục vụ có thể xem như doanh nghiệp dịch vụ, hướng về lợi ích của khách hàng thay vì đối xử với dân theo kiểu một người cai trị.
Thế nhưng nhiều năm qua, trong đời sống cộng đồng có một cách nói đầy mỉa mai về nền hành chính là "hành dân là chính"! Thật ra trăm kiểu hành dân như vẽ rắn thêm chân, giấu thông tin… thả "cò", đòi cái không có trong quy định... chung quy lại đều là chiêu trò quen thuộc của những công chức không ngay ngắn thường được gọi là "làm khó để ló ra tiền". Nhiều nhận xét có tính tổng kết rằng chính nền hành chính cơ chế không minh bạch, chồng chéo chức năng thẩm quyền, trách nhiệm tập thể, nhất là trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng... là những nguyên nhân đưa đến nạn nhũng nhiễu.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, đã bị đình chỉ công tác 3 ngày
Chính vì vậy, ngay trước mắt, lãnh đạo cần năng vi hành, tăng cường thanh tra công vụ, mạnh tay xử lý vi phạm. Phải xem đây là giải pháp hàng đầu áp dụng cho thời kỳ kỷ cương công vụ có biểu hiện xuống cấp ở nhiều nơi.
Công tác thanh tra công vụ có ý nghĩa phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của công chức. Đồng hành với cơ quan chức năng còn có một lực lượng hùng hậu chính là tay mắt nhân dân, họ là đối tượng bị nhũng nhiễu cần phải tham gia vào việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát. Phải có nhiều hình thức tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân, chẳng hạn như đường dây nóng hoặc hệ thống giám sát chặt chẽ dựa trên công nghệ nghe nhìn tiên tiến tại nơi thi hành công vụ.
Còn đối với lãnh đạo, người đứng đầu nếu không vi hành thì không hiểu thực trạng. Vi hành không cần báo trước, không cần tiền hô hậu ủng mới thấy được sắc màu sáng tối, những góc khuất. Làm lãnh đạo phải như thế mới thực sự là lãnh đạo đúng nghĩa, tránh được chuyện bị cấp dưới cho "uống thuốc an thần", báo cáo láo, báo cáo sai... Vi hành chính là phát đi thông điệp cho cấp dưới về sự giám sát thường xuyên của cấp trên, cái mà chúng ta đang thiếu khi đang ỷ lại vào những "cái gọi là quy trình" mang tính hình thức.
Phải có vào - ra, lên - xuống
Cần bổ sung chế định "sát hạch định kỳ cán bộ công chức". Chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hằng năm đang áp dụng. Phải thông qua sát hạch mới có thể có được sự đánh giá chính xác và tìm hiểu toàn diện về tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và thành tích thực tế trong công tác của các công chức làm cơ sở để đánh giá. Có sát hạch, thanh tra nghiêm túc mới đánh giá, loại bỏ, đề bạt, bổ nhiệm đúng người đúng việc một cách khẩu phục tâm phục. Cần bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó là chế độ hợp đồng linh hoạt đối với cán bộ, công chức… Kinh nghiệm các nước và nước ta cho thấy chế độ biên chế, tuyển dụng suốt đời tạo sự ỷ lại, sức ỳ, trì trệ đối với lực lượng lao động của các cơ quan công quyền. Nền công vụ của ta lâu nay chưa làm quen với cách chức, từ chức, buộc thôi việc... Công chức phải có vào có ra, có lên có xuống.
Bình luận (0)