Vị tư lệnh ngành tư pháp cho biết trong buổi trả lời chất vấn được truyền hình và phát thanh trực tiếp, định hướng sửa đổi trên trong Bộ Luật Hình sự đã được Chính phủ và Ban Nội chính trung ương cho ý kiến.
Như vậy, nếu điều khoản trên được thể hiện trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi sắp tới, sẽ có thêm một “vũ khí” khá lợi hại để phòng chống tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi “chốt” lại phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, dù có chuyển biến tích cực song “so với tình hình tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí thì chưa đạt yêu cầu”.
Có nhiều nguyên nhân khiến chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước cho dù đã có luật chuyên ngành cũng như các cơ quan chuyên trách từ trung ương tới địa phương. Một trong những cái khó trong cuộc chiến này là vấn đề kiểm soát và minh bạch tài sản của cán bộ, công chức; nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị.
Kiểm soát được thu nhập, tài sản chắc chắn góp phần rất hữu hiệu để phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây đang còn là một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Theo như Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, trong lần kê khai đầu năm 2013, có 632.000 đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản đã thực hiện kê khai, đạt 98%. Song ngoài con số 3.000 người kê khai “không trung thực, rõ ràng”, dư luận chỉ mong biết còn ai nữa không trung thực chứ chưa kỳ vọng từ bản kê khai này có thể “phăng” ra tài sản và cá nhân tham nhũng. Nói như đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: “Trong thời gian qua có kê khai nhưng không công khai, minh bạch tài sản. Vì thế, một số cán bộ cao cấp đương chức hoặc vừa nghỉ hưu nhưng khối tài sản khổng lồ đã lần lượt phát lộ”.
Bởi thế, sắp tới, nếu có thể truy tố những trường hợp giàu bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì cũng cần công khai rộng rãi, minh bạch tài sản cán bộ, quan chức kê khai. Có như vậy thì “tai mắt” nhân dân mới có điều kiện giám sát, phát hiện tài sản bất minh, để từ đó giúp đưa các cán bộ làm giàu bất chính ra pháp luật. Khi đó, thứ “vũ khí” lợi hại mới để phòng chống quốc nạn tham nhũng mới phát huy hết tác dụng.
Bình luận (0)