Trong buổi làm việc với Trung tâm An sinh TP HCM mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc chăm lo an sinh cho hàng triệu người dân khó khăn tại thành phố được xác định sẽ lâu dài, cần nhiều nguồn nhân lực, tài lực mới có thể hoàn thành. TP HCM cần tính toán đến bài toán nhân sự để hỗ trợ an sinh lớn nhất từ trước đến nay.
Phó Thủ tướng đề nghị TP HCM xem xét xây dựng cơ chế khuyến khích các F0 đã khỏi bệnh, đủ điều kiện sức khỏe tham gia vào lực lượng hỗ trợ, phân phối thực phẩm đến người dân, kể cả hỗ trợ các công việc phòng chống dịch Covid-19. Theo Phó Thủ tướng, các F0 đã khỏi bệnh cũng là đối tượng được chăm lo, họ là những người đã trải qua giai đoạn khó khăn chống chọi khi bị nhiễm Covid-19. Sau khi khỏi bệnh, với những người khỏe mạnh, họ có thể làm được rất nhiều việc cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Ông Đặng Hồng Anh (phải) trao bảng biểu trưng tặng 100 suất thù lao cho các F0 tình nguyện tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức
"Có thể trả lương cho các F0 đã khỏi bệnh quay lại tham gia công tác phòng chống dịch, việc này cũng là cách hỗ trợ việc làm cho người dân. Nguồn kinh phí có thể trích từ ngân sách phòng chống dịch bệnh hoặc huy động từ xã hội hóa. Nếu làm tốt việc này, thành phố sẽ có một nguồn nhân lực đủ mạnh cho nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh, an sinh cho người dân vượt qua khó khăn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam đã trao 100 suất thù lao (từ 6 triệu - 8 triệu đồng/suất) ủng hộ đợt đầu cho Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) để chi trả cho các F0 khỏi bệnh chăm sóc F0 tại BV. Đây là hoạt động nằm trong sáng kiến "ATM - F0 chống dịch" do Hội DNT Việt Nam phát động.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, cho biết dịch Covid-19 bùng phát đã khiến lực lượng y - bác sĩ tuyến đầu chống dịch phải làm việc gần như liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi. "Nhận thấy việc động viên các F0 đã khỏi bệnh đủ điều kiện về sức khỏe có thể quay trở lại BV cùng y - bác sĩ tham gia các hoạt động hậu cần, chăm sóc F0 đang điều trị là ý tưởng tốt, hội đã phát động chương trình "ATM - F0 chống dịch" nhằm gây quỹ hỗ trợ các F0 đã khỏi bệnh tình nguyện tham gia chống dịch" - ông Anh nói.
Theo ông Anh, hiện hội đã kêu gọi được kinh phí để chi trả cho khoảng hơn 300 F0 khỏi bệnh tình nguyện chống dịch và đang tiếp tục kêu gọi để hỗ trợ càng nhiều F0 càng tốt. Chương trình cũng nhằm giúp các F0 đã khỏi bệnh gặp khó khăn do dịch bệnh có việc làm, có thu nhập.
Ngày 31-8 vừa qua, Hội DNT Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM cũng đã trao tặng 1.000 túi thuốc điều trị tại nhà cho các F0 ở quận 3, TP HCM. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình "ATM Túi thuốc cứu người" do 2 hội cùng thực hiện. Theo đó, các bệnh nhân F0 tại thành phố đủ điều kiện cách ly tại nhà được tặng túi thuốc và kết nối với y - bác sĩ để được tư vấn, điều trị. Túi thuốc với danh mục thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm các thuốc thông thường hỗ trợ điều trị triệu chứng của Covid-19; thuốc kháng viêm, kháng đông để hạn chế các cục máu đông ảnh hưởng đến việc cấp ôxy cho cơ thể người bệnh.
"Theo kế hoạch, "ATM Túi thuốc cứu người" sẽ được triển khai đến các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP HCM, với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ điều trị người bệnh F0 ngay tại nhà, góp phần kéo giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng, số ca tử vong, giảm tải cho các cơ sở y tế" - TS-BS Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM, nói.
Bình luận (0)