Theo định nghĩa tại dự thảo này, "trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông". Như vậy, sau thời gian thay đổi tên gọi "trạm thu phí" BOT thành "trạm thu giá" rồi "trạm thu tiền", trong dự thảo đang lấy ý kiến người dân lần này, Bộ GTVT chính thức trả lại tên "trạm thu phí".
Trước đó, vào đầu năm 2018, Bộ GTVT sử dụng tên gọi "trạm thu giá" thay cho "trạm thu phí" để phù hợp với Luật Giá. Tuy nhiên, cụm từ "trạm thu giá" bị phản đối vì không có nghĩa, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Ở lần công khai dự thảo hồi tháng 5, Bộ GTVT đưa ra tên gọi "trạm thu tiền", thay thế cho tên gọi "trạm thu giá".
Cả 2 lần đổi tên trạm thu phí của Bộ GTVT thành "trạm thu giá" hay "trạm thu tiền" đều gặp phản ứng gay gắt của dư luận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và người dân, không sử dụng tên "trạm thu giá".Đầu tháng 7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư các dự án BOT đường bộ đổi tên trở lại thành "trạm thu phí".
Bên cạnh việc trả lại tên "trạm thu phí", dự thảo cũng quy định rõ hơn việc công khai và lấy ý kiến người dân về vị trí đặt trạm thu phí BOT. Theo đó, vị trí trạm thu phí phải được công khai khi công bố dự án; phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng).
Đối với các trạm thu phí thu theo hình thức thu hở, vị trí trạm phải được công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và người dân địa phương trong vòng 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm.
Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh và hiệp hội vận tải ôtô tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi đặt trạm thu phí).
Bình luận (0)