Phóng viên: Có ý kiến cho rằng công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ hiện nay vẫn có thể bỏ lỡ nhiều hiền tài, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đại biểu Quốc hội LÊ THANH VÂN: Theo tôi, công tác quy hoạch cán bộ hiện nay của chúng ta có cả tích cực và hạn chế. Tích cực là không bị động trong công tác nhân sự bằng cách tạo nguồn dồi dào, phong phú để có thể thay thế bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Thứ nhất, quy trình lựa chọn, sàng lọc nhân sự đưa vào nguồn vẫn nặng về hình thức, chưa thật sự dựa vào thực chứng. Công tác quy hoạch là làm những nhóm nhỏ có quyền lực rồi ra nhóm lớn. Đầu tiên là thủ trưởng đưa ra, sau đó là đến nhóm phó thủ trưởng, cán bộ chủ chốt, rồi cuối cùng mới tới tập thể rộng hơn... Làm như vậy, tưởng như quy trình chặt chẽ nhưng nếu họ dùng thủ đoạn hợp pháp hóa quy trình thì sẽ tạo nên kết quả gian lận, giả dối.
Dư luận từng đặt ra việc vị bí thư tỉnh ủy bảo rằng ông ta không đưa người nhà vào vị trí có chức quyền mà đó là tổ chức đưa ra khách quan, bỏ phiếu rất đúng quy trình, đủ phiếu tín nhiệm, chứ không dùng quyền lực móc nối. Nhưng ngược lại, chúng ta đặt câu hỏi, nếu ông không phải là bí thư tỉnh ủy, liệu người nhà ông có được đưa vào các vị trí ấy? Như vậy thì quy hoạch cán bộ liệu đã chọn đúng người chưa?
- Vì vậy, tôi cho rằng phải thay đổi cách lựa chọn cán bộ, phải đưa ra các tiêu chí định lượng để tuyển chọn, tổ chức thi tuyển công khai thông qua chất vấn, đề án, thuyết trình..., như thế sẽ có căn cứ xác đáng chọn được người tài, có đức.
Theo ông, tiêu chí để làm bộ trưởng, tư lệnh ngành hoặc là người đứng đầu địa phương, phải là người thế nào?
- Bộ trưởng, trưởng ngành phải là bậc anh tài, là tinh hoa trí tuệ. Trước hết là phải có tầm nhìn, trí tuệ, có khả năng thuyết phục trước đám đông, có uy tín trước đám đông. Chứ "ăn không nên đọi, nói không nên lời" thì đừng làm bộ trưởng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong một phiên chất vấn ở Quốc hội Ảnh: VĂN DUẨN
Anh tài là "xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên". Tức là phải có khả năng chính trị. Khả năng này thể hiện qua tầm nhìn chính sách, sửa sang chính sách cho đúng. Tại sao nơi mình đến (ngành, địa phương) lại có "loạn". Phải chăng các quy định được ban hành, được thực hiện chưa hợp lòng dân? Chưa hợp với quy luật vận động của xã hội; chưa hợp với xu thế phát triển của ngành, địa phương?
Tầm nhìn của anh tài là phải nhìn thấy các kẽ hở trong các quy định để mà lấp cho kín, sửa sang lại chính sách. Xưa kia, các bậc anh tài quan lại trong các triều đình thịnh trị, việc đầu tiên là họ phải sửa sang chính sách hợp lòng dân, huy động được sức mạnh toàn dân. Điều này một số bộ trưởng của chúng ta đã làm được chưa?
Như vậy làm bộ trưởng không phải là việc dễ?
- Làm bộ trưởng, trưởng ngành thì khó ở chỗ chính là tầm trí tuệ, đức hy sinh, là nghĩa cử, là tấm gương cho mọi người, chứ không phải là "ghế nóng" mà họ đang ngồi. Hiện nay, người ta cho rằng làm bộ trưởng khó là ở chỗ phải đối diện với công luận, đối mặt với cơ quan quyền lực nhà nước - đó là Quốc hội. Nếu làm bộ trưởng mà không bị công luận soi, không bị Quốc hội "trần lên trần xuống" thì quá dễ và thuần túy quá.
Thực tế Đảng có những chủ trương rất đúng, ví dụ như cơ chế lựa chọn nhân tài. Tuy nhiên về mặt luật pháp, về mặt thể chế phải chế định làm sao cho đúng quy trình ấy để lựa chọn được nhân tài.
Bộ trưởng phải có chương trình hành động. Điều này tôi đã nói nhiều lần, góp ý nhiều lần nhưng chưa được tiếp thu. Có chương trình hành động trong Chính phủ hoặc trước Quốc hội để Chính phủ và Quốc hội coi đó là chương trình chuẩn mực, phê chuẩn cho người đó làm bộ trưởng. Và chương trình hành động đó trở thành lời cam kết trước Chính phủ, Quốc hội và Quốc hội sẽ giám sát cả nhiệm kỳ ấy. Nếu vị bộ trưởng đó không thực hiện được từng kế hoạch, lộ trình đã cam kết thì rõ ràng anh vi phạm "cam kết" và phải xem xét để thay thế người khác đáp ứng được yêu cầu công việc.
Khi bộ do mình quản lý có vấn đề, gây bức xúc dư luận thì trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng phải được soi xét đến đâu, thưa ông?
- Tôi đã nói đến yêu cầu của một chính khách trong vai bộ trưởng. Đó là khả năng khởi xướng chính sách, khả năng thuyết phục chính sách và khả năng vận hành chính sách. Cả 3 yếu tố này còn phụ thuộc vào việc anh có được quyền khởi xướng chính sách hay không. Anh không có năng lực mà được người khác "bế" anh vào ghế đó ngồi thì làm gì anh có tầm nhìn mà khởi xướng chính sách.
Ở cương vị đầu ngành mà không có trí tuệ vượt tầm người khác thì khi người khác tham mưu cái gì sẽ dễ dàng quyết cái đó. Cho nên mới có tình trạng có vị bộ trưởng ra tòa mếu máo trả lời tòa rằng "bị cáo không biết". Đã không biết thì tại sao ngồi ghế đó. Đó là nỗi nhục nhã chứ không vinh quang gì. Điều đó nói lên năng lực của vị bộ trưởng đó.
Vậy theo ông, cần làm gì để có được nhiều cán bộ có tài, có đức trong nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như trong tương lai?
- Tôi nhấn mạnh lại là khi chúng ta dựa nhiều vào tiêu chí hình thức thì vẫn còn chuyện chọn nhân sự không chính xác, không thực tài. Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta phải thay đổi nhận thức về dùng người, về lựa chọn nhân tài mà tôi nhắc đi nhắc lại là phải dựa vào thực chứng.
Một lãnh đạo trước khi được chỉ định, bổ nhiệm, phải đưa ra được chương trình hành động, cam kết để xem xét. Xem xét xong rồi có thể phê chuẩn, có thể bầu cử, có thể bổ nhiệm. Người đó phải cam kết 6 tháng, 1 năm, 3 năm, 5 năm làm được việc gì. Thực chất đây là một khế ước giữa người tài với người trọng dụng nhân tài. Vi phạm là bị xử lý, thay thế. Như thế là sòng phẳng, tạo sân chơi cho người tài xuất hiện.
Còn nếu lựa chọn trong phòng kín, bỏ phiếu dưới gầm bàn, mua tước bán quan, nhồi nhét bằng cấp độn vào để "biến quạ thành công" thì chắc chắn chúng ta để mất nhiều người tài. Chính vì vậy, tôi mong sẽ có giải pháp đột phá vào công tác nhân sự, từ đó mới bàn được những vấn đề khác của đất nước.
Chỉ số đánh giá năng lực cán bộ
Hiện nay, tại các doanh nghiệp đã có chỉ số KPI đánh giá năng lực của nhân sự. Tùy theo nhu cầu mà từng doanh nghiệp đặt ra các loại chỉ số khác nhau. Những chỉ số đó rất minh bạch và nhìn được ngay nếu có sự gian lận. Tôi cho rằng đánh giá năng lực của cán bộ cũng phải như vậy.
Nếu một vị bộ trưởng không khởi xướng chính sách ngay từ lúc đề cử, đến lúc được bổ nhiệm rồi mà vẫn không đưa ra được giải pháp để thực thi, đùn đẩy trách nhiệm, không khắc phục được lỗi của người tiền nhiệm... thì tối đa 2 năm là sẽ nhận ra ngay và cần thay thế. Một vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh cũng vậy, nếu không đưa ra được lựa chọn về mặt chủ trương để lãnh đạo chính quyền, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, ngồi im để lấy phiếu thì làm sao chọn được người tài.
Ông LÊ VĂN CUÔNG - đại biểu Quốc hội khóa XI, XII:
Tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách
Trong bối cảnh mới có nhiều biến động bất thường liên quan đến kinh tế - xã hội, các vị trưởng ngành không chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Đảng đã đề ra từ trước đến nay mà còn cần tư duy bao quát và sự nhanh nhạy nổi trội nhiều hơn nữa để có thể ứng phó với mọi tình huống.
Các tân bộ trưởng cũng cần tiếp tục kế thừa thế hệ tiền nhiệm tư duy mang tầm chiến lược để có thể hoạch định được những chính sách phù hợp với thực tiễn, hiệu quả cao, hỗ trợ phát triển tốt nhất lĩnh vực mình phụ trách. Bên cạnh đó, cần có sự khái quát cao về tất cả lĩnh vực trọng yếu khác để bảo đảm chính sách đưa ra được đồng bộ, tránh khập khiễng hoặc "chỏi" nhau; tham mưu tốt cho Chính phủ trong việc ban hành chính sách.
Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã chỉ đạo các thành viên quyết liệt sửa đổi rất nhiều chính sách, cắt bỏ rất nhiều thủ tục hành chính, giấy phép con... cản trở các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thủ tục rườm rà, nhiều rào cản... chờ nhiệm kỳ Chính phủ mới xắn tay vào xử lý. Đây là yêu cầu cấp thiết với các tân trưởng ngành để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng về quốc gia thịnh vượng.
P.Nhung ghi
Bình luận (0)