Ngày 26-3, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể, thảo luận về các nội dung: Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của QH; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Nhiều đại biểu (ĐB) QH đã dành thời gian để góp ý về công tác xây dựng luật.
Liêm chính trong thẩm tra dự án luật
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo khi QH khóa XIV đã "làm tròn vai" ĐBQH trước nhân dân với các quyết sách, mà kết quả đã được thể hiện trong báo cáo của QH và của Ủy ban Thường vụ QH.
Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, liêm chính trong ứng xử xã hội là tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội và là một trong những nguyên tắc để mỗi con người chúng ta trở thành công dân tốt hơn cho đất nước, cho xã hội. Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là một nguyên tắc "tối cần thiết" trong điều chỉnh chung các quan hệ xã hội, thúc đẩy quan hệ xã hội lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn. "Tôi xin bắt đầu bằng sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật ngày 24-11-2020, đó là cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật" - ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.
ĐB Nguyễn Mai Bộ cho biết nếu thiếu hoặc không có sự liêm chính, đặc biệt là thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án luật, sẽ tạo ra những "dự án luật rất nhiều khuyết tật" như: Sẽ mâu thuẫn chồng chéo với văn bản pháp luật mà QH các khóa trước đã dày công ban hành; là công cụ để hiện thực hóa lợi ích của bộ - ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ - ngành khác, trái với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là vòng đời của các văn bản luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, QH phải tốn kém thời gian, kinh phí để ban hành luật khác thay thế.
Do đó, ĐB Nguyễn Mai Bộ đề nghị Chính phủ (đặc biệt là cơ quan được giao soạn thảo dự án luật) phải khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Các cơ quan thẩm tra, các ĐBQH cũng phải luôn liêm chính trong thẩm tra, phát biểu về dự án luật.
Khẳng định thành công của QH khóa XIV, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH, cho rằng thành công trong lập pháp rất quan trọng, là trách nhiệm của QH trong xây dựng thể chế pháp luật, để phục vụ công tác xây dựng quốc phòng - an ninh, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp, có dự án luật gây bức xúc cho dư luận; dự án luật chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc đến kinh tế - xã hội, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài của quy định. "Năng lực phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật của một số ĐBQH chưa đáp ứng nhu cầu, thậm chí còn có trường hợp "dĩ hòa vi quý" để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu thể hiện quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp" - ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp Ảnh: NGUYỄN NAM
Vì lợi ích của nhân dân, quốc gia
Nhìn lại chặng đường đã qua, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, khẳng định QH khóa XIV với những lãnh đạo QH ưu tú, ĐB nhiệt thành, tâm huyết đã làm tròn bổn phận trước nhân dân. QH đã thông qua những đạo luật bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện "tham nhũng chính sách".
Tuy nhiên, ĐB Mai cho biết nếu rà soát thật kỹ tất cả quy định, có thể nhận thấy nếu không giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện có thể dẫn đến nguy cơ "tham nhũng chính sách". "Tham nhũng chính sách có thể hiểu là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính xác cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống" - ĐB Mai nói và cho rằng nên đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Bên cạnh đó, cần nâng cao hoạt động thẩm tra, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện và đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM), QH khóa XIV đã có một nhiệm kỳ hoàn thành khá trọn vẹn trên nhiều lĩnh vực, công tác lập pháp, giám sát, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, đặc biệt là công tác đối ngoại. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH rất toàn diện, đúng mực, nêu được thành công và cả những tồn tại. "Công tác lập pháp là một nhiệm vụ quan trọng nhất. Trong nhiệm kỳ qua đã thông qua được 72 luật, 135 nghị quyết. Trong số 72 luật đó, hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung. Điều đó cho thấy tuổi thọ của luật chúng ta còn hạn chế. Hay có những luật chúng ta mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống thì phải bổ sung, sửa đổi. Một số luật quan trọng nhưng chậm sửa đổi, chậm ban hành mà cử tri năm nào tiếp xúc cũng nhắc đến, đó là Luật Đất đai" - ĐB Ngân nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các ý kiến thảo luận, đồng thời khẳng định: "Chúng ta có quyền tự hào vì những đóng góp của chúng ta, từng ĐBQH, đoàn ĐBQH, cơ quan của QH đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri, đó là hành động vì lợi ích của nhân dân, quốc gia và dân tộc. QH khóa XIV đã để lại một nền tảng vững chãi cho khóa XV và các khóa tiếp theo".
Quốc hội là tinh túy, tinh hoa
"Đừng biến QH thành cơ quan hành chính, đặc biệt với ĐB chuyên trách - những người làm toàn vẹn cho QH, bởi họ đã có tích lũy về mặt kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng và đặc biệt là uy tín. Tôi hết sức lấy làm tiếc khi nhiều ĐB phải dừng lại chỉ vì tuổi tác. Chúng ta phải coi QH là tinh túy, tinh hoa, đừng coi QH là sức vóc thuần túy. Tôi rất mong đó là thực tế để chúng ta cố gắng thay đổi trong nhiệm kỳ tiếp theo" - ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhắn nhủ.
Bình luận (0)