Thiếu tá - nhà văn Phạm Vân Anh không phải cái tên xa lạ với giới văn chương Việt hiện nay, chị từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trẻ nhất, được nhận nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Quốc phòng. Nhưng điều ấn tượng về chị, là một quân nhân chuyên nghiệp, thuộc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, một nữ quân nhân quân hàm xanh với hàng trăm chuyến đi từ thiện, giúp đồng bào dân tộc ở các vùng biên cương rừng sâu núi thẳm khắp mọi miền Tổ quốc.
Nữ quân nhân xuất sắc
Sinh năm 1980, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 2001, Phạm Vân Anh đầu quân vào Bộ đội Biên phòng. Được phân công công tác trong ngành Điện ảnh Biên phòng, trong quá trình tác nghiệp, chị đã đi đến hầu hết các vùng miền biên cương Tổ quốc, sống "3 cùng" với đồng bào các dân tộc miền biên viễn, thấu hiểu, cảm thông, trăn trở, ưu tư với những điều kiện sống, học tập, nhiều thiếu thốn, vất vả, khó khăn của người dân và trẻ em. Trong trái tim chị đã rung những nhịp đập sẻ chia, nhân ái, muốn làm những việc có ý nghĩa, mang đến niềm vui cho người dân vùng phên dậu Tổ quốc.
Nhà văn - thiếu tá Phạm Vân Anh
Tính từ năm 2017 đến nay, thiếu tá Phạm Vân Anh lần lượt trải qua các cương vị phóng viên Báo Biên phòng, Phó Giám đốc Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng, trợ lý Tuyên huấn - Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng. Chị đã luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Chị đã có hàng trăm bài báo, phóng sự, phim tài liệu về Bộ đội Biên phòng và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới, hàng chục kịch bản và tổng đạo diễn các chương trình giao lưu nghệ thuật vùng biên với các nước bạn, được đánh giá cao, phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, làm sáng đẹp thêm vai trò, cống hiến của quân dân các dân tộc trên biên giới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Từ những chuyến đi công tác xâm nhập thực tế vùng biên, trong vòng 5 năm trở lại đây, chị đã có những tác phẩm văn học được xuất bản: Trường ca "Sa Mộc", bút ký "Đường biên cương dệt mùa xuân", bút ký "Binh pháp chống dịch", bút ký "Theo dấu phù sa", bút ký "Những người anh em trong lòng dân tộc", bút ký "Những người phất cờ hồng". Đồng thời là tác giả kịch bản loạt phim tài liệu lịch sử 30 tập "Những trang sử biên thùy", tác giả phần lời một số ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quân đội và đồng bào các dân tộc thiểu số...
Một trái tim ấm áp với biên cương
Làm việc trong lực lượng Biên phòng nên thiếu tá Phạm Vân Anh có điều kiện tiếp cận và tiếp xúc với hầu hết đồng bào các dân tộc ở vùng biên cương Tổ quốc. Chứng kiến những khổ cực của đồng bào dân tộc, chị luôn cảm thấy day dứt, trĩu nặng tâm tư, như sự mách bảo từ trái tim người phụ nữ đầy nhân hậu, chị vừa kết hợp công tác, đồng thời thực hiện các hoạt động thiện nguyện giúp đồng bào miền biên cương.
Kể từ năm 2010, chị đã tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội hướng về biên giới và đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm 2014, chị cùng với Chi hội Phụ nữ Báo Biên phòng tổ chức chương trình "Trung thu biên cương" cho các em học sinh trên địa bàn biên giới. Năm 2017, chị là thành viên đồng sáng lập nhóm thiện nguyện "Biên cương trong tôi" gồm 10 thành viên, từ đó tới nay đã cùng nhóm vận động, quyên góp và tổ chức mỗi năm từ 2-5 chương trình thiện nguyện, tặng quà cho các hộ gia đình người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, học sinh các trường dân tộc nội trú trên địa bàn biên giới với tổng trị giá quà tặng lên đến 1 tỉ đồng. Ngoài ra, nhóm của chị đã vận động, tặng 3 bể bơi, phối hợp với Bộ đội Biên phòng Lai Châu, Sơn La, Điện Biên tổ chức các khóa học bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em khu vực biên giới.
Thiếu tá Phạm Vân Anh tặng quà cho trẻ em nghèo tỉnh biên giới Điện Biên
Thiếu tá Phạm Vân Anh đặc biệt dành yêu thương và tình cảm tri ân đối với vùng đất, con người huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chị tâm sự: "Ngày trước, đồng bào nơi đây đã hy sinh rất nhiều cho kháng chiến, chở che bộ đội, đóng góp lương thực, thực phẩm, không tiếc nhà cửa, tuổi trẻ, tính mạng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng đến bây giờ, mảnh đất và người dân huyện A Lưới vẫn còn phải chịu nhiều di họa. Yêu thương gửi về nơi đây không thể đong đếm"...
Từ tình cảm đó, năm 2020, thiếu tá Phạm Vân Anh đồng hành với Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đỡ đầu 2 chị em Tường Vân - Tường Vy ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, đang ở tuổi đi học, mồ côi bố, mẹ bị tàn tật. Ngoài gửi tiền hằng tháng, chị còn lưu tâm một cách yêu thương, mua sắm khá đầy đủ những đồ dùng sinh hoạt, từ những thứ nhỏ nhặt, cần thiết đối với các cô gái nhỏ đến một số vật dụng thông thường.
Trung thu năm nay, chị cùng nhóm "Biên cương trong tôi", kết nối bạn bè, đồng đội, đồng chí, từ thủ đô Hà Nội đã đến mảnh đất biên giới A Lưới. Dù đêm muộn, họ vẫn cùng Đoàn viên thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cặm cụi gói những gói quà thật xinh xắn, dễ thương lo Tết Trung thu ấm áp cho học trò xã Hồng Thủy.
"Thấy trẻ mồ côi, thương lắm!"
Trong đợt lũ lịch sử các tỉnh miền Trung tháng 10-2020, nhóm "Biên cương trong tôi" của chị đã tổ chức 6 đợt tặng quà trị giá gần 3 tỉ đồng, tặng nhân dân biên giới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam; vận động tặng 500 "Vườn rau vượt lũ" và 200 "Đàn gà vượt lũ" cho đồng bào người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi lũ.
Còn trong đại dịch COVID-19 từ năm 2020-2021, chị cùng nhóm "Biên cương trong tôi" vận động các nhà hảo tâm, tổ chức tặng quà, vật phẩm y tế, khẩu trang cho các tỉnh, thành từng là tâm dịch như Bắc Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Nông, Đà Nẵng, TP HCM...
Quân nhân Phạm Vân Anh trong chuyến cứu trợ đồng bào tỉnh Quảng Trị bị bão lụt, tháng 10-2020. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đặc biệt, ngoài việc ủng hộ kinh phí cá nhân và vận động quà tặng cho các hoạt động chung của nhóm, với tấm lòng nhân ái, chị hiện đang trực tiếp nhận đỡ đầu 5 học sinh người dân tộc thiểu số mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ năm 2020 cho đến khi trưởng thành theo chương trình "Nâng bước em tới trường". Đó là các em: Thị Tươi - SN 2017, dân tộc S’tiêng, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; Hồ Thị Nhân - SN 2010, dân tộc Vân Kiều, học sinh lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; Hồ Thiên Trà - SN 2010, dân tộc Pa Kô, học sinh lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Thị Tường Vân - SN 2008, dân tộc Tà Ôi, học sinh lớp 8 và Hồ Thị Tường Vy - SN 2010, dân tộc Tà Ôi, học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hỏi chị sao nhận nhiều "con" thế, liệu có đủ nguồn tài chính chu cấp? Vân Anh vui vẻ cho biết: "Mình có 2 con nhỏ, nên thấy trẻ con mồ côi thương lắm, cầm lòng không đậu. Nhận nuôi, cũng có chút đắn đo cân đối tài chính trong nhà. May là chồng và gia đình hai bên nội ngoại đều ủng hộ công việc thiện nguyện này"…
Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội trao tặng Phạm Vân Anh giải thưởng "Nét đẹp phụ nữ thủ đô", như thêm một lần tưởng thưởng đến chị - nữ quân nhân có trái tim nhân ái, một bông hồng xanh miền biên cương.
Từ năm 2020 đến nay, nhà văn - thiếu tá Phạm Vân Anh và đồng đội còn có sáng kiến, tài trợ kinh phí trồng được 3 "Vườn cây khăn quàng đỏ" tại các trường Phổ thông Dân tộc bán trú Pa Nang, THCS A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và Trường Dân tộc nội trú Bản Máy (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), với mục đích hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho các em học sinh và vài năm nữa, các em sẽ có quả để ăn.
Bên cạnh đó, chị còn trực tiếp tham gia chương trình "Sách nói cho người khiếm thị", thường xuyên đọc, thu âm truyện ngắn, tiểu thuyết để xây dựng thư viện sách nói nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người khiếm thị.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)