Sáng 8-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Cho ý kiến tại tổ TP HCM, đại biểu (ĐB) Ngô Tuấn Nghĩa, Thiếu tướng, Chính uỷ Bộ Tư lệnh TP HCM, cho rằng trong phạm vi áp dụng của luật này, không nên đưa việc giải quyết tố cáo các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu vào luật. Theo ông, vấn đề này rất phức tạp.
"Cán bộ nghỉ hưu rồi, trước đó qua nhiều văn bản điều chỉnh rồi. Nhiều cán bộ trải qua nhiều đơn vị, chức vụ, cơ quan công tác và tôi hiểu một điều rằng cũng có thời điểm tố cáo là đúng nhưng sau này khi điều chỉnh thì lại chưa phù hợp. Tố cáo như thế làm ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu. Có những cán bộ có năng lực, có nhiều cống hiến, có nhiều thành tích trong quá trình công tác nhưng nghỉ hưu rồi có những nơi tố cáo thì hạ uy tín cán bộ"- Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa băn khoăn.
Góp ý về hình thức tố cáo, ông Nghĩa cho rằng nên quy định rõ ràng tố cáo gồm 2 hình thức là tố cáo bằng văn bản (đơn) và lời nói, để tránh tràn lan. Còn các hình thức tố cáo qua fax, điện thoại… thì là nặc danh. Bởi lẽ, đã có quy định luật pháp để bảo vệ người tố cáo.
Tuy nhiên, theo vị Chính uỷ Bộ Tư lệnh TP HCM, nếu tố cáo nặc danh mà có những căn cứ, chứng cứ rõ ràng thì các cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét để xử lý. "Như thế, vừa bảo vệ cán bộ vừa loại bỏ được các ý xấu tập trung vào quấy rối nội bộ của các cơ quan, đơn vị"- ông nhấn mạnh.
Giải thích thêm, ông Nghĩa cho rằng hiện tố cáo nặc danh đang tràn lan, nhất là hiện nay, tình hình đang rất phức tạp. Điều này khiến việc quản lý, tiếp nhận xử lý cho đúng là rất khó.
"Quá trình công tác thực tế, nhận thấy cán bộ bị nhiều đơn tố cáo, thưa kiện. Nhiều đơn có tên, địa chỉ, nội dung rất rõ ràng nhưng khi đi thẩm tra thì tên, địa chỉ đó không có, nội dung nửa có nửa không, có những nội dung chỉ 20%-50% là thật"- ông nói.
ĐB Trịnh Thị Ngọc Thuý: "Không loại trừ việc tố cáo có mục đích xấu" - Ảnh: quochoi.vn
ĐB Trịnh Thị Ngọc Thuý, Phó Chánh án Toà án nhân dân TP HCM, nhìn nhận trong Điều 10, người bị tố cáo được đảm bảo quyền lợi của mình khi chưa có kết luận tố cáo là điểm mới, tiến bộ. Theo bà, người bị xem là vi phạm pháp luật khi và chỉ khi có kết luận của cơ quan pháp luật. Nhưng, với các trường hợp tố cáo từ trước đến nay, việc này chưa được mạnh dạn.
"Không loại trừ việc tố cáo có mục đích xấu. Khi cán bộ tới giai đoạn luân chuyển, bổ nhiệm thì hay bị tố cáo. Rõ ràng, quyền, lợi ích của người bị tố cáo bị xâm phạm. Cơ quan tổ chức có thể mạnh dạn làm quy trình cán bộ khi có những đơn này và khi đơn tố đúng thì mạnh dạn bãi miễn. Như thế sẽ không mất cơ hội của cán bộ"- bà Thuý lưu ý.
Bà Thuý cho rằng nếu làm được như trên, các đơn tố cáo mục đích xấu sẽ giảm, cơ quan nhà nước cũng sẽ không mất thời gian giải quyết. Đồng thời, công chức cũng sẽ bộc lộ tính năng động, không sợ đụng chạm, tạo cớ cho người khác làm đơn tố cáo không đúng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa góp ý nếu đã có quy định luật pháp bảo vệ người tố cáo thì không nên tố cáo mạo danh, nặc danh. Ngoài ra, trong tố giác trực tiếp, để tránh xảy ra phản cung sau này, ông Nghĩa đặt câu hỏi liệu có nên quy định việc lập biên bản thế nào cho chi tiết, có nên kèm theo ghi âm?
Chia sẻ thêm, Phó trưởng đoàn ĐB TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê kể: "Không biết có ai từng gặp tình huống như tôi không? Tôi đã từng nhận đơn tố cáo qua điện thoại. Sau đó, đi xác minh thì phát hiện đây là sim rác và mất dấu luôn. Sau đó, lại nhận được tin nhắn từ sim rác khác hỏi tại sao không trả lời, giải quyết vụ việc? Chúng tôi tiếp cử tri cử tri cũng khổ, đưa ra đơn tố cáo với chữ ký ngoằn nghoèo, bâng quơ. Trên thực tế rất phức tạp".
Ông Khuê cho rằng luật này ra đời sẽ là cơ sở để tránh tố cáo tràn lan, "nửa hư nửa thực".
Bình luận (0)