Chiều 7-11, báo cáo trước Quốc hội (QH) về tình hình khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết tuy số vụ có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Trong đó, có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng người dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.
Lập danh sách 463 vụ việc phức tạp
Theo ông Lê Minh Khái, trước tình hình trên, nhất là sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các ngành, cấp rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp trên cả nước. Trên cơ sở đó, lập danh sách 463 vụ việc phức tạp báo cáo Thủ tướng, đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường kiến nghị xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ BHXH trong cuộc họp Quốc hội vào ngày 7-11 Ảnh: NGUYỄN NAM
Phân tích nguyên nhân, Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng do còn có những bất cập của công tác quản lý nhà nước; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn... Lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng công tác tiếp công dân có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác này là một trong các giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết các bức xúc, tâm tư của người dân từ cơ sở, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước cần tích cực chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tiếp công dân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.
Đồng tình với phân tích trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng việc gần dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân của cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò đặc biệt quan trọng. "Khiếu nại tố cáo đều bắt đầu từ cơ sở. Khi mới manh nha, nếu cán bộ giải quyết không sâu sát, không gần dân sẽ khiến sự việc việc trở nên phức tạp" - ông Hiểu nhìn nhận.
Theo ông Hiểu, hình thức đối thoại đã được đưa vào các văn bản chính thức của Đảng và nhà nước nhưng trên thực tế, vẫn rất ít nơi thực hiện. Nhiều nơi vẫn còn tâm lý ngại đối thoại với dân, vì sợ đây là diễn đàn phê phán cán bộ. Do đó, sắp tới đây cần phải chấn chỉnh việc này mới giảm được tình trạng khiếu nại, tố cáo.
Xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH
Sáng cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Bùi Văn Cường (tỉnh Gia Lai), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã nêu những vướng mắc, bất cập trong vấn đề Công đoàn (CĐ) khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ BHXH. Theo ông Cường, sau gần 2 năm thực hiện, các cấp CĐ đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang. Sau đó, 20 LĐLĐ tỉnh, TP đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp tòa án 187 vụ DN nợ BHXH. Tuy nhiên, trong số này, TAND các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, tòa án cấp huyện tỉnh Long An thụ lý 2 vụ; 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại tòa án không thụ lý.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh việc DN trốn đóng, nợ BHXH (không ít DN vẫn trừ lương với lý do để đóng BHXH) không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn tác động xấu đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ và bảo đảm an sinh xã hội. "Đây là vấn đề lớn, đang gây bức xúc đối với người lao động và toàn xã hội. QH cần dành sự quan tâm đặc biệt để sớm giải quyết kiến nghị này" - ông Cường bày tỏ.
Liên quan đến đề nghị của tổ chức CĐ, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, thừa nhận vấn đề nợ BHXH rất bức xúc. Về nguyên nhân của việc tòa án trả hồ sơ thì có bất cập về luật định. Tuy nhiên, việc này chỉ còn tồn tại cho đến hết năm 2017 vì từ ngày 1-1-2018, hành vi trốn thuế hay những gian lận trong bảo hiểm đã được hình sự hóa và trở thành tội phạm.
"Như vậy, không ai kiện ra tòa theo trình tự hành chính hay dân sự. Những hành vi như gian lận trong BHXH đã được hình sự hóa thì cơ quan điều tra vào cuộc, đưa ra VKS, tòa án để truy tố, xét xử" - ông Bình khẳng định.
Vụ Đồng Tâm: Cụ Kình gãy chân do "giằng co"!
Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội), Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, khẳng định: "Căn cứ kết luận thanh tra thì không vấn đề gì liên quan đến quá trình lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh để gây thương tích cho ông Lê Đình Kình. Hoàn toàn là do trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ, gia đình ông Kình đã xông vào cản trở dẫn đến việc đáng tiếc như vậy" - ông Hải nêu.
Bấm nút tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: "Tôi muốn bình luận tại sao cho tới bây giờ, thông tin ấy mới đến được QH, sự việc đó xảy ra hơn nửa năm rồi. Phải chăng đó là cách làm của cơ quan Công an Hà Nội? Tôi thấy việc đó không nên biện bạch. Nên công khai nói sự việc ấy để nhân dân bình luận, để xem một ông cụ 82 tuổi có thể tự gãy chân được hay không?" - ông Quốc băn khoăn.
Bình luận (0)