Ngày 13-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Giám sát chặt nguồn vốn
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết Thường trực UBKT cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án.
Dự kiến tổng số vốn của dự án là khoảng 130.216 tỉ đồng (giai đoạn đến năm 2020, triển khai 11 đoạn tuyến). Trong đó vốn nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến khoảng 63.716 tỉ đồng (bao gồm: vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỉ đồng và vốn vay khoảng 50.973 tỉ đồng). Tổng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư dự án theo quy hoạch khoảng 3.689 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khi triển khai công tác GPMB khoảng 7.700 hộ; dự kiến số hộ phải tái định cư khoảng 1.900 hộ.
Tuyến cao tốc Long Thành- Dầu Giây đã được đưa vào sử dụng Ảnh: Thành Đồng
Tuy nhiên, theo UBKT, tờ trình của Chính phủ việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn và việc huy động vốn vay vẫn chủ yếu từ các ngân hàng thương mại trong nước.
Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Cân nhắc áp dụng BOT
Đồng tình với Chính phủ về phương án phân chia dự án thành các dự án thành phần, vận hành độc lập nhưng UBKT lại băn khoăn về phân chia quy mô chưa đồng đều giữa các dự án. Cụ thể có dự án dài 115 km nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km. Điều này sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, ý kiến trong Thường trực UBKT cho rằng các đoạn đường được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 phải thực sự cần thiết, cấp bách và được lựa chọn khách quan, khoa học, phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư đối tác công - tư (PPP) trên cơ sở dự báo nhu cầu lưu lượng xe. Cụ thể, một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020 có nhu cầu vận tải lớn hơn một số đoạn nằm trong dự án như đoạn Cần Thơ - Cà Mau dự báo đến năm 2020 có lưu lượng 18.570 xe con quy đổi/ngày/đêm trong khi đoạn La Sơn - Túy Loan có lưu lượng 11.020 xe con quy đổi/ngày/đêm hoặc dự án cần ưu tiên hoàn thiện sớm để thông tuyến như dự án Cầu Mỹ Thuận 2.
Đáng chú ý về hình thức đầu tư, trong danh mục 11 dự án thành phần đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, dự kiến có 8 dự án được đầu tư theo hình thức BOT, 3 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức BT (hợp tác công - tư). Tuy nhiên, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài 15 km, lưu lượng 25.556 xe con quy đổi/ngày/đêm - cao nhất toàn tuyến lại được lựa chọn đầu tư công; trong khi dự án này có khả năng huy động vốn xã hội cao nhất.
Điều đáng nói là từ kết quả giám sát năm 2017 của UBTVQH về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập đối với hình thức đầu tư này, Thường trực UBKT đề nghị Chính phủ có các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong báo cáo giám sát để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng hình thức đầu tư BOT đối với dự án.
Lùi thời hạn áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014 của QH về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết nếu triển khai theo lộ trình từ năm học 2018 - 2019 thì chất lượng chương trình, SGK mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, SGK mới chưa bảo đảm.
Chính phủ trình UBTVQH và QH xem xét, cho phép giãn tiến độ một năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022. Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của QH, việc áp dụng chương trình, SGK mới sẽ chậm một năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT.
Bình luận (0)