Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa đưa hệ thống phần mềm quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ (gọi chung là phần mềm giám sát thu phí BOT) vào hoạt động. Phần mềm vận hành tự động, tức thời, bảo đảm tính khách quan trong việc giám sát thu phí BOT.
Triển khai trước ở 66 trạm
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, cho biết hiện có 3 trạm ứng dụng phần mềm giám sát thu phí BOT gồm: Bắc Ninh - thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; Bến Thủy 1 - dự án mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh Hà Tĩnh; Toàn Mỹ 14 - dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh. Trong quý II, tổng cục sẽ chính thức triển khai hệ thống phần mềm tại 66 trạm thu phí của 54 dự án BOT, sau đó sẽ triển khai ở tất cả trạm còn lại ngay trong năm 2019.
Theo đánh giá của Tổng cục ĐBVN, hệ thống phần mềm giám sát thu phí BOT không chỉ thực hiện một cách tự động, tức thời nhằm bảo đảm tính khách quan trong giám sát thu phí mà còn là công cụ cần thiết để nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí khi triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.
Dự kiến trong năm 2019, tất cả trạm BOT phải lắp đặt hệ thống phần mềm giám sát thu phí Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về cơ chế hoạt động, hệ thống phần mềm giám sát thu phí BOT có đường truyền độc lập được kết nối từ các trạm BOT về trung tâm giám sát tại Tổng cục ĐBVN. Theo đó, khi xe qua trạm, mọi thông tin giao dịch, dữ liệu liên quan đến thu phí sẽ tức thì truyền trực tiếp về trung tâm này để phân tích.
Đối với dịch vụ thu phí tự động ETC, dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp từ phần mềm thu phí tự động tại trạm về phần mềm giám sát của trung tâm nói trên. Qua đó vé tháng, vé quý, xe ưu tiên cũng được tích hợp qua phần mềm để Tổng cục ĐBVN giám sát.
Nhanh chóng phát hiện bất thường
Theo Tổng cục ĐBVN, hệ thống này sẽ tiếp nhận dữ liệu thời gian thực từ trạm thu phí gửi lên và tự động phân tích kiểm tra để phát hiện toàn bộ trường hợp bất thường hoặc nghi vấn, như bán sai loại vé, sai mệnh giá, lưu lượng xe bất thường, giao dịch bất thường, thu lệch tiền, thẻ E-tag không hợp lệ… Tất cả dữ liệu này lập tức được phần mềm phân tích tự động và đưa ra cảnh báo để các nhà đầu tư BOT có thể giải trình, báo cáo ngay những bất thường này.
Tổng cục ĐBVN khẳng định dữ liệu này qua đường truyền riêng biệt, bảo đảm tính độc lập, được mã hóa và bảo đảm an toàn. "Đây là số liệu quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước đối soát với doanh thu của nhà đầu tư BOT nhằm tạo sự minh bạch, tránh kê khai gian dối từ nhà đầu tư" - ông Huyện nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển công nghệ Trí Nam, ưu điểm của phần mềm này là giúp cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng phát hiện được sai lệch. "Đối với phần mềm này, không thể có đơn vị nào, kể cả Tổng cục ĐBVN, can thiệp vào quá trình phân tích dữ liệu để thay đổi số liệu hay hình ảnh được" - ông Dân khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, đánh giá việc thử nghiệm ứng dụng phần mềm này tại 3 trạm BOT nói trên mang lại nhiều hiệu quả. "Nếu trước đây muốn kiểm tra hoạt động của các trạm thu phí, Tổng cục ĐBVN phải cử các đoàn công tác đến tận trạm thu phí túc trực và giám sát nhưng khi đưa phần mềm này vào hoạt động, chỉ cần ngồi tại tổng cục cũng có thể giám sát các trạm thu phí" - ông Thắng nhìn nhận.
Nhà đầu tư: Đồng tình lẫn lo ngại
Việc Tổng cục ĐBVN đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm giám sát thu phí BOT đang nhận được sự đồng tình của một số nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Nam (chủ đầu tư BOT QL1 Bạc Liêu, BOT QL1 Bình Thuận, BOT QL1 Sóc Trăng), cho biết ông rất đồng thuận với chủ trương này, bởi hệ thống phần mềm mới bảo đảm sự khách quan trong tính doanh thu thu phí của các trạm BOT hằng ngày, hằng tháng, hằng quý. Các dữ liệu, thông tin minh bạch sẽ giúp Tổng cục ĐBVN có cơ sở để điều hành việc hoàn vốn cho các dự án. "Chúng tôi đang quản lý 3 trạm BOT, chỉ tính riêng trạm BOT QL1 Sóc Trăng mỗi tháng phải bù lỗ 2 tỉ đồng nhưng nói ra thì không ai tin. Do vậy, việc công khai, minh bạch thu phí là nên làm để nhà nước biết được mỗi trạm trên cả nước mỗi ngày thu đúng theo phương án tài chính hay không, từ đó có sự điều chỉnh cho hợp lý" - ông Phương bày tỏ.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định (chủ đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km1212+400 đến Km1265 qua 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên), cũng ủng hộ việc lắp phần mềm giám sát thu phí. Ông Hoàng nêu quan điểm: "Có như thế thì mọi việc thu phí tại trạm BOT Nam Bình Định của chúng tôi sẽ được minh bạch, người dân không còn phải nghi ngờ gì nữa".
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thế Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trùng Phương (đơn vị thu phí tại dự án BOT QL1 qua tỉnh Thừa Thiên - Huế), khẳng định tất cả chủ trương đúng đắn, hợp lý của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp của ông sẽ ủng hộ, tham gia. "Chúng tôi rất minh bạch, rõ ràng trong thu phí nên chẳng ngại gì cả! Việc này chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi và đơn vị tài trợ vốn" - ông Thảo nhấn mạnh.
Dù vậy, vẫn có doanh nghiệp lo ngại phát sinh vướng mắc. Theo đại diện của Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT (doanh nghiệp đang thực hiện việc thu phí tại trạm thu phí Bắc Hải Vân), ngày 23-3, Tổng cục ĐBVN đã kiểm tra hiện trạng công tác quản lý, khảo sát hiện trạng phần mềm và thiết bị thu phí tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Đây là hạng mục thực hiện ngoài hợp đồng BOT đã ký kết giữa nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải; hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn. Do vậy, để việc lắp đặt hệ thống mới phù hợp với các hợp đồng, cần có sự đồng ý của đơn vị tài trợ vốn, cũng như phải ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải.
V.Khánh - S.Anh - A.Tú - Q.Nhật
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc khối giao thông Công ty CP Giải pháp công nghệ FPT:
Không để nhà đầu tư "một mình một chợ"
Sau khi xảy ra một số ồn ào tại các trạm thu phí trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, Trạm thu phí Dầu Giây, dư luận hồ nghi về tính minh bạch trong doanh thu của các dự án BOT. Sự việc tại trạm thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương của Công ty Yên Khánh cũng là do nhà đầu tư BOT "một mình một chợ", "vừa đánh trống vừa thổi kèn" nên họ có thể can thiệp được vào phần mềm thu phí.
Việc thêm kênh giám sát độc lập của Tổng cục ĐBVN sẽ hạn chế tối đa gian lận, khắc phục được tình trạng hiện nay chỉ có một mình chủ đầu tư BOT quản lý vận hành trạm, khó tránh khỏi tiêu cực ở một hoặc vài khâu nào đó. Tôi cho rằng nếu việc này được triển khai sớm hơn sẽ không xảy ra việc hồ nghi gian lận thu phí BOT trong dư luận thời gian qua.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN:
Người dân có thể giám sát qua smartphone
Đây là hệ thống giám sát được thực hiện tự động, tức thời nên bảo đảm tính khách quan tuyệt đối trong việc giám sát thu phí. Dự án không sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp mà sử dụng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ, nên bảo đảm tính công khai, khách quan và chính xác nhất.
Đặc biệt, khi phần mềm đưa vào hoạt động, người dân cũng có thể tự giám sát thu phí thông qua smartphone hoặc website của Tổng cục ĐBVN.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam:
Tạo lòng tin cho người sử dụng dịch vụ
Chủ trương đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, vận hành một vài dự án khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch trong doanh thu. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để giám sát thu phí là rất cần thiết nhằm tạo lòng tin của người sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ.
V.Duẩn ghi
Bình luận (0)