Cứ mỗi lần có dịp về thăm quê thì tôi lại chạy xe về thăm Rú Chá. Cái tên nghe lạ với nhiều khách phương xa nhưng đến nay không còn xa lạ với người dân cố đô. Người Huế không gọi Rừng Chá, mà gọi là Rú Chá.
Một góc Rú Chá hôm nay
Khu rừng ngập mặn nguyên sinh tuyệt đẹp
Rú Chá cách Huế khoảng 15 km thuộc vùng đầm phá Tam Giang. Ngày trước, phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính để lên kinh thành Huế nên hồi đó, muốn lên kinh đều phải vượt phá Tam Giang.
Tôi đã tìm đọc nhiều tài liệu và được biết địa danh Rú Chá có từ rất lâu. Rú là rừng, Chá là cây chá. Cây chá thuộc loài cây mọc tự nhiên và có tuổi thọ hàng chục năm. Cây cao từ 2-4 m, đường kính chừng 50 cm, có trái như quả tiêu. Chính cái tên gọi nôm na đó đã gây sự tò mò, làm cho nhiều người muốn đến đây khám phá.
Tác giả trên đường vào Rú Chá
Tôi đến thăm Rú Chá vào một chiều tháng 5 nắng nóng 2 năm trước. Đường vào rừng hai bên tầng tầng lớp lớp toàn là cây chá. Chá sừng sững với thân hình gầy guộc, đan nhánh tuyệt đẹp. Luồn lách dưới những vòm cây là không gian mát rượi của rừng cây và gió biển. Những bộ rễ to, bám chặt vào lòng đất tạo ra những hình thù kỳ lạ, những hình tượng vô cùng phong phú.
Người bạn Huế đi cùng tôi kể vào khoảng tháng 7 - 8 âm lịch, cây chá ra hoa rất đẹp. Nhìn từ xa trông như một thảm vàng rực rỡ giữa khoảng lặng của đất trời, sông nước. Đến mùa nước lên, quả chá rơi đầy mặt nước, gieo mình vào trong đất hoặc bị nước cuốn đi, để rồi khi mùa xuân đến, bao giờ rú cũng đón thêm hàng trăm cây con nhú lên trên mặt đất.
Lạ mắt hơn, trên mặt đất xuất hiện nhiều hang còng với những hình thù lạ mắt. Thi thoảng xuất hiện những chú còng với nhiều màu sắc, có con mang trên mình màu đất rất khó phát hiện, có con nhiều hoa văn xanh, đỏ, chàm…, chúng chạy qua chạy lại rất vui mắt.
Với diện tích khoảng 5 ha, Rú Chá hiện là khu rừng ngập mặn nguyên sinh còn sót lại của miền Trung. Ngoài hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất ở khu vực, Rú Chá còn được xem như một vùng đệm sinh thái giữa đất liền và đầm phá. Nơi đây có nhiều loài thủy sinh, chim chóc và các loại cây thân mềm cư trú.
Xin ra Rú Chá định cư
Ít ai biết rằng để góp phần gìn giữ khu rừng còn nguyên vẻ ban sơ như ngày nay có công rất lớn của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp - bà Trần Thị Hồng. Họ chính là những người đầu tiên và là cặp vợ chồng duy nhất tự nguyện đến "định cư" ở cánh rừng này, xem đây như ngôi nhà của mình. Trong căn nhà chừng 30 m2 của ông bà, chúng tôi được ông Đáp kể câu chuyện về Rú Chá như chính câu chuyện đời mình.
Sau ngày quê hương thống nhất năm 1975, ông Đáp lập gia đình với bà Trần Thị Hồng. Cuộc sống còn vất vả nên đến năm 1990, ông bàn với vợ xin chính quyền địa phương ra Rú Chá để ở. Bấy giờ, Rú Chá rất hoang sơ nên khi nghe chồng bàn như vậy, bà Hồng một mực lắc đầu, vì "vô rú thì biết lấy chi mà sống?". Thế nhưng, ông nói với vợ: "Chim trời, cá nước ở Rú Chá thiếu gì, ở đó thì lo chi đói!". Cuối cùng, bà cũng nghe lời và theo ông vô rú.
Sau khi lo cho các con tạm ổn cuộc sống ở trong làng, ông và vợ vào rừng, chọn một bãi bồi khá cao ở giữa rồi dựng một căn nhà tạm để có nơi trú. Căn nhà lá nằm lọt thỏm trên một hòn đảo nhỏ có diện tích chưa đến 1 ha; không điện, không nước ngọt, không hàng xóm và tách biệt với cộng đồng.
Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp tại căn nhà ở Rú Chá
Những ngày đầu mới chuyển vào đây, ông cho biết cây chá mọc còn thưa thớt. Để mưu sinh, ông xin đấu thầu một thửa đất cạnh rú để đắp đập thả tôm, cá. Còn bà Hồng vay mượn vốn để mua gà, vịt về nuôi. Rừng ngập mặn cũng nhiều tôm, cá nên ông bà cũng sống đủ qua ngày.
Lâu dần, càng về sau càng có nhiều người chú ý đến Rú Chá hơn. Họ vào đó đánh bắt tôm, cá. Có khoảng thời gian khá dài, Rú Chá trở thành nguồn sống của người dân xã Thuận Hòa. Điều đáng lo nhất là không chỉ khai thác nguồn tôm cá, người dân còn tranh thủ đốn vài bó củi chá về để làm chất đốt. Từ vài người cho đến gần cả làng đua nhau đi đốn củi khiến diện tích Rú Chá ngày càng thu hẹp.
"Kiểm lâm viên" tự nguyện giữ rừng
Chứng kiến cánh rừng có nguy cơ bị xóa sổ, vợ chồng ông rất xót xa và chỉ biết nhắc khéo bà con kiếm củi bằng cách khác, không nên chăm chăm chặt cây chá, cứ như thế này thì rừng sẽ bị xóa sạch. Hơn ai hết, ông bà hiểu rằng vùng đất này có thể che chắn nước biển khỏi xâm thực và tránh những ngọn sóng, cơn gió cho làng Thuận Hòa này. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì những cái lợi trước mắt sẽ khiến người dân nơi đây phải chịu những khó khăn, thậm chí là tai họa rất lớn về sau.
May thay, chỉ ít lâu sau, tỉnh và huyện có chính sách bảo vệ rú để bảo đảm rừng phòng hộ, vậy là vợ chồng ông lên xã xin nhận công việc bảo vệ rừng.
Không chịu cảnh khu rừng trở thành đồi trọc, với quyết tâm bảo vệ rừng, cứ đêm xuống, ông lặn lội đi kiểm tra xem có người nào chặt cây để sớm hôm sau, đạp xe báo cho trưởng thôn. Đến tháng 9, tháng 10, khi đàn cò trắng và nhiều loài chim khác bay về, ông lại tất bật đi gỡ bẫy để không con cò, con cuốc nào về rừng bị dính bẫy.
Nhờ thế mà chiều chiều, từng đàn cò vỗ cánh rợp trời trở về rừng trú ngụ. Vì thế, ông cũng gặp không ít rắc rối từ phía những người bẫy chim, chặt cây, thậm chí một số còn buông lời đe dọa. Ông cười tươi: "Mặc kệ, miễn sao bảo vệ Rú Chá này là được. Tôi coi Rú Chá như tính mạng của mình...".
Từ khi có bàn tay vợ chồng ông Đáp chăm sóc, những cây chá, cây sú đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển, chim muông đua nhau tìm về. Màu xanh bao phủ cả cánh rừng ngập mặn vốn hoang vu, tiêu điều. Không ít gốc chá xanh tốt cao quá đầu người chính là thành quả của việc hai vợ chồng không nề hà vất vả để ươm trồng và chăm sóc suốt bao năm qua.
Khởi đầu từ nỗ lực bảo vệ rừng của vợ chồng ông lão "kiểm lâm" bất đắc dĩ, chính quyền địa phương và người dân đã cùng chung tay bảo vệ cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi của vùng đất cố đô.
Để thể hiện sự trân trọng và biết ơn công sức của hai ông bà, địa phương đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho ông bà được mưu sinh tại đây, trong căn nhà lá nhỏ bé để tiếp tục bảo vệ rừng.
Nghiên cứu quy hoạch, tái tạo Rú Chá
Hiện nay có nhiều tổ chức hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị của Rú Chá. Với phương châm dựa vào chính cộng đồng, dự án SIDA đã hỗ trợ xây dựng vườn ươm, thành lập nhóm tuần tra, tuyên truyền bảo vệ Rú Chá. Đặc biệt, trong năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đại học Huế đã tiến hành nghiên cứu về khả năng tái tạo Rú Chá, đã có kết quả bước đầu về đa dạng sinh học, đồng thời hoạch định công tác quản lý và quy hoạch Rú Chá trong tương lai.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)