Trong báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM gần đây, việc triển khai dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh và Thủ Đức) vẫn giẫm chân tại chỗ. Sở GTVT TP đánh giá tình trạng này càng kéo dài sẽ càng phát sinh những hệ quả tiêu cực, đòi hỏi phải tìm ngay cách triển khai dự án.
Gần 2 thập niên "đu đưa"
Mười chín năm trước, dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 hình thành, đầu tư theo hình thức BOT do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Năm 2004, dự án được Chính phủ giao UBND TP HCM làm các thủ tục điều chỉnh, sau khi chấm dứt hợp đồng với Cienco 5. Trong nội dung điều chỉnh năm 2008, dự án cầu đường Bình Triệu 2 gồm 7 tiểu dự án và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (viết tắt là Công ty CII) là chủ đầu tư các tiểu dự án số 1, 2, 3, 4 và 5. Sau khi ký hợp đồng, Công ty CII đã hoàn thành sửa chữa nâng cấp cầu Bình Triệu cũ, đưa vào khai thác năm 2010 và thu phí hoàn vốn kết thúc năm 2015.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh tới ngã 5 Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh, TP HCM), đang ám ảnh người dân bởi tình trạng kẹt xe
Tiếp đến, theo hợp đồng BOT ký kết giữa Công ty CII và UBND TP HCM năm 2018, dự án cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 - giai đoạn 2) có các công trình gồm mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây dựng nút giao thông Đài Liệt sĩ, hầm chui theo hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13, xây dựng mới đoạn đường Chu Văn An kết nối với nút giao và mở rộng các đường nhánh ở khu vực, mở rộng cầu Ông Dầu. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỉ đồng. Với hợp đồng này, Công ty CII hiện mới chỉ hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đơn nguyên cầu Ông Dầu trên Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), hoàn thành thiết kế, dự toán công trình và sẵn sàng ứng kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công ty trên hiện cũng chưa được thu phí hoàn vốn do các giai đoạn sau chưa triển khai, chưa đủ điều kiện để thu.
Trong khi đó, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, không thực hiện ở các dự án cải tạo, nâng cấp trên những tuyến hiện hữu. Do đó, theo Sở GTVT, vấn đề hiện nay là dự án nếu tiếp tục triển khai theo hình thức BOT sẽ trái nghị quyết của Quốc hội, đồng thời vị trí trạm thu phí cũng không bảo đảm công bằng. Chưa kể công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vốn đã chậm so yêu cầu và khả năng còn tiếp tục chậm, kéo theo những hệ lụy như lãi vay, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài. Ngược lại, Sở GTVT cho rằng nếu chấm dứt hợp đồng BOT đã ký, hàng loạt vấn đề cũng phát sinh do nhiều thủ tục vốn đã triển khai và khi đó, Công ty CII dừng ứng vốn thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thì chi phí cho việc này sẽ tăng lên.
Nếu xài ngân sách nên ưu tiên xử trước điểm kẹt xe
Tại quận Bình Thạnh, địa phương này nhận định hợp đồng BOT dự án cầu đường Bình Triệu 2 nếu dừng sẽ phát sinh nhiều vấn đề như làm tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, gây bất ổn trong người dân. Do đó, quận Bình Thạnh đề nghị Công ty CII tạm ứng kinh phí để tiếp tục hoàn tất công tác trên và trường hợp TP chấm dứt hạng mục chưa đầu tư thuộc hợp đồng BOT đã ký, địa phương kiến nghị tạm ứng vốn từ ngân sách để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng theo tiến độ.
Liên quan đến vấn đề này, theo Sở Tài chính, việc tạm ứng vốn cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng từ ngân sách là không đúng quy định. Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc bố trí vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình thuộc dự án, sở này thống nhất với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP trong việc giao cho đơn vị này làm chủ đầu tư, lập thủ tục đầu tư công và thực hiện các bước tiếp theo.
Động thái trên xuất phát từ việc vừa qua, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước (quận Thủ Đức). Đây là một trong những tiểu dự án thuộc dự án cầu đường Bình Triệu 2. Theo tờ trình này, tổng mức đầu cho dự án là 9.992 tỉ đồng bằng vốn ngân sách TP, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 8.176 tỉ đồng, chi phí xây dựng 1.380 tỉ đồng. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2023.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia giao thông cho rằng cần cân nhắc và có sự sắp xếp ưu tiên trong việc giải quyết những điểm nghẽn giao thông thuộc dự án nêu trên. Cụ thể là trong điều kiện Bến xe Miền Đông mới tại quận 9 chuẩn bị đưa vào khai thác, Bến xe Miền Đông cũ được di dời thì áp lực giao thông sẽ giảm rất lớn trên tuyến Quốc lộ 13 và cầu Bình Triệu, bởi lượng xe khách từ bến xe này về các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền Trung, miền Bắc cũng giảm theo. Mặt khác, các chuyên gia cho rằng điểm nghẽn lớn nhất tại khu vực trên không phải ở Quốc lộ 13 mà trên 2 tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh. Đây là 2 tuyến đường song song, kết nối trực tiếp giữa cửa ngõ phía Đông Bắc TP cùng tỉnh Bình Dương ra vào trung tâm TP HCM. Qua ghi nhận thực tế, 2 tuyến đường này đang chịu áp lực giao thông nặng nề, thường xuyên kẹt xe, bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm và đặc biệt trầm trọng ở các dịp lễ, Tết. Do đó, cần có giải pháp và ưu tiên xử lý ùn tắc ở 2 tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh.
Trước những vấn đề trên, theo Sở GTVT TP, nếu tiếp tục kéo dài sẽ phát sinh các hệ quả tiêu cực, vì vậy, sở kiến nghị UBND TP chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở - ngành, địa phương xem xét, chỉ đạo hoặc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo đề xuất đầu tư để xem xét.
Nếu chấm dứt hợp đồng BOT, TP HCM phải "gánh" gì?
Theo hợp đồng BOT đã ký kết, trường hợp bất khả kháng không thể thu phí hoàn vốn, UBND TP HCM phải hoàn trả các chi phí đầu tư và lợi nhuận cho Công ty CII. Đây là khoản tiền không nhỏ, vì vậy, Công ty CII hiện cũng đã có ý kiến đề nghị UBND TP xem xét các vấn đề nhằm hạn chế phát sinh ngân sách TP phải hoàn trả các chi phí nêu trên.
Bình luận (0)