Phóng viên: Cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét cho ý kiến dự án Luật Hành chính công. Ý tưởng xây dựng dự Luật Hành chính công bắt đầu từ khi nào, thưa bà?
- Bà Trần Thị Quốc Khánh: Tôi bắt đầu đọc các báo cáo về cải cách hành chính và ghi lại những vấn đề quy định pháp luật không rõ ràng, còn vướng mắc và phát hiện ra nhiều lỗ hổng pháp luật. Tôi nghĩ mình phải làm một luật, phải đưa ra được cái gì đó để khắc phục những lỗ hổng này.
Trong 4 năm ròng rã, từ năm 2013 đến nay, tôi dành toàn bộ sức lực và tâm huyết cho việc xây dựng dự án Luật Hành chính công. Tôi chính thức đề xuất đến lãnh đạo QH từ năm 2013. Sau đó, đến các kỳ họp QH năm 2014, 2015, lúc nào tôi cũng tranh thủ phát biểu về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trình bày dự án Luật Hành chính công tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-8 Ảnh: TTXVN
Đến tháng 5-2015, UBTVQH đã giao cho Viện Nghiên cứu Lập pháp và Văn phòng QH hỗ trợ việc chuẩn bị, kịp thì trình QH. Đến năm 2016, dự án Luật Hành chính công chính thức được đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh của QH khóa XIV.
Điều đáng mừng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự đồng cảm và chia sẻ đối với vấn đề hành chính công của đất nước và tâm sức của Ban Soạn thảo. Bởi cho đến nay, hành chính công vẫn còn những khoảng trống pháp luật và việc xây dựng dự án Luật Hành chính công là cần thiết.
Bà cùng Ban Soạn thảo đặt mục tiêu gì khi xây dựng dự án luật này?
- Trong hệ thống pháp luật có rất nhiều luật nhưng lại như luật chuyên ngành, cho đến giờ chưa có luật nào nói về nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành hành chính. Chỉ có những cái riêng, không có cái chung kết nối nên mới có nhiều chỗ vênh nhau.
Mục tiêu lớn nhất của dự án Luật Hành chính công là bảo đảm tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, phải cho dân có quyền lựa chọn dịch vụ công. Tất cả vấn đề hành chính công hay dịch vụ công mới chỉ quy định ở nghị định của Chính phủ nên cần luật hóa để mọi người hình dung được nền hành chính gồm những gì, hiểu được quy trình tiến hành làm các thủ tục hành chính.
Tại phiên thảo luận vừa qua, nhiều thành viên UBTVQH đã góp ý dự luật cần đi sâu vào việc thúc đẩy dịch vụ công, cơ chế một cửa, chính phủ điện tử, về nền hành chính quốc gia, công vụ, công chức...Bà sẽ tiếp thu các ý kiến này ra sao?
- Tôi rất phấn khởi vì nhận được các góp ý rất thiết thực. Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các góp ý, khuyến nghị.
Lần đầu tiên, có một dự luật sẽ đi sâu vào làm rõ dịch vụ công với 3 loại dịch vụ: Dịch vụ hành chính công do cơ quan nhà nước đang làm như chứng thực, cấp phép. Dịch vụ sự nghiệp công không cần nhà nước phải nắm giữ mà nên để các tổ chức, cá nhân cung cấp như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… Dịch vụ công ích như môi trường, cây xanh, nước sạch, cấp thoát nước… rất cần đẩy mạnh xã hội hóa.
Ban Soạn thảo quyết tâm đưa 3 vấn đề này vào luật để đẩy mạnh xã hội hóa, góp phần giảm gánh nặng ngân sách, tinh giản biên chế và hiệu quả hơn cho nhà nước và người dân. Chúng tôi đặt tham vọng dự án Luật Hành chính công nếu được QH thông qua sẽ góp một phần vào cuộc cách mạng trong cải cách hành chính và cải cách bộ máy.
Ban Soạn thảo dự án Luật Hành chính công gồm 7 ĐBQH, trong đó bà Trần Thị Quốc Khánh (SN 1959) là trưởng ban. Bà Khánh có trình độ chuyên môn: thạc sĩ luật, cử nhân báo chí. Hiện bà là Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH.
Dự thảo Luật Hành chính công gồm 7 chương, 54 điều, quy định về hành chính công gồm: nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.
Bình luận (0)