xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải bài toán thu hút, trọng dụng nhân tài

MINH CHIẾN

Bên cạnh chế độ đãi ngộ phù hợp, nhiều ý kiến cho rằng việc tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh cũng là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài

Tại Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 31-7, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp được khuyến khích phát hiện, tiến cử nhân tài; các bộ ngành, địa phương phối hợp cơ sở giáo dục phát hiện tài năng trẻ là học sinh, sinh viên.

Cần sự đột phá về cơ chế

Việc thu hút, trọng dụng nhân tài luôn là vấn đề được quan tâm và đã đặt ra từ nhiều năm nay. Đặc biệt, trong thời điểm không ít cán bộ, công chức, viên chức rời bỏ khu vực công do nhiều nguyên nhân khác nhau - trong đó có áp lực công việc, bất cập về thu nhập - thì việc triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài càng cấp bách hơn.

Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định thu hút nhân tài thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, đến nay mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học. Hầu hết địa phương sau đó rất chú trọng việc này, tiêu biểu như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc đã thông qua HĐND ban hành thêm chính sách phù hợp, song con số đạt được đang rất thấp so với kỳ vọng.

Giải bài toán thu hút, trọng dụng nhân tài - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM trong một giờ thực nghiệm Ảnh: TẤN THẠNH

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài được Đảng ta đặt ra qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa hình thành được cơ chế, chính sách cụ thể, dẫn đến chưa đi vào thực chất. Singapore thành công trong việc này khi xem con người là "nguồn lực đặc biệt quan trọng".

Bên cạnh chiến lược rõ ràng về thu hút nguồn nhân lực, Singapore đã đưa ra chính sách hấp dẫn về thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, quan tâm sâu sắc đến gốc rễ của vấn đề là lĩnh vực giáo dục - đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo.

Nói về điểm nghẽn trong thu hút, trọng dụng nhân tài, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng tiền lương, thu nhập, đãi ngộ đang là cản trở lớn trong tiến trình tìm kiếm, thu hút người giỏi vào khu vực công. Do đó, cần đột phá về cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý, từ hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp và các đãi ngộ phi vật chất khác để giữ chân người tài. Môi trường làm việc cũng sẽ là yếu tố hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng trong quyết định có vào làm việc ở một cơ quan, đơn vị hay không. Bởi môi trường làm việc cởi mở, được cống hiến, sáng tạo, được cấp trên, đồng nghiệp hỗ trợ để phát huy hết khả năng, sở trường thì người có trình độ, năng lực sẽ cống hiến hết mình cho nơi làm việc.

Cách mời gọi rất quan trọng

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cũng cho rằng các bộ ngành, địa phương cần bám sát chiến lược mà Chính phủ đã phê duyệt, qua đó ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.

Theo ông Khải, việc bám sát thực tiễn là rất quan trọng. Mỗi bộ ngành, địa phương đều biết đang cần nhân lực trong lĩnh vực nào, bộ phận nào, từ đó có kế hoạch thu hút phù hợp, tránh dàn trải và phân tán nguồn lực.

Bên cạnh các ý kiến về chế độ đãi ngộ, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng cách mời gọi, thu hút người tài cũng rất quan trọng. Việc triển khai phải làm sao để những người tài, giới trí thức thấy được tôn trọng, được tạo điều kiện để làm việc trong môi trường văn minh, đủ không gian để phát huy sở trường, cống hiến cho công việc. Có nhiều người có năng lực, kinh nghiệm, thậm chí làm việc ở nước ngoài rất tốt nhưng e ngại khi về nước cống hiến, một phần lo môi trường làm việc có thể bị chèn ép, đố kỵ người giỏi, phần vì những sáng kiến, đề xuất của họ không được đánh giá đúng mức.

Giải bài toán thu hút, trọng dụng nhân tài - Ảnh 2.

Nguồn: WEBSITE CHÍNH PHỦ; đồ họa: CHI PHAN

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng chúng ta không thể "ngồi đợi để thu hút nhân tài" mà cần có chiến lược hỗ trợ để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và giữ được nhân tài. Muốn làm được điều đó, giải pháp căn cơ là tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao với tầm nhìn dài hạn. Chúng ta có thể tìm kiếm nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau, thu hút người giỏi từ các nước đến Việt Nam làm việc, nhưng về cơ bản là đào tạo trong hệ thống giáo dục trong nước, nòng cốt là hệ thống cơ sở giáo dục đại học.

Đại diện Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, người đứng đầu cần thay đổi nhận thức để coi trọng nhân tài, phát huy tính tích cực, tạo điều kiện cho nhân tài phát huy năng lực, đổi mới sáng tạo.

Theo TS Bùi Xuân Phái, Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước Trường ĐH Luật Hà Nội, hiện nhiều cơ sở đào tạo đã xây dựng chương trình đào tạo sinh viên chất lượng cao hoặc sinh viên tài năng. Tuy nhiên, các chương trình này chủ yếu phục vụ cho sinh viên có điều kiện, chưa phải là sự quan tâm, chú trọng từ phía nhà nước. Vì thế, cần có các khảo sát về mong muốn cống hiến, thu nhập, cơ hội thăng tiến, cơ hội được đào tạo của những đối tượng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc... để từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp. 

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG TP HCM:

Thực sự là "Chiếu cầu hiền"

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài thực sự là "Chiếu cầu hiền" của một giai đoạn mới, thể hiện tinh thần dân chủ thực sự. Nếu được thực hiện tốt, có thể xem là một giải pháp "thay máu", góp phần giúp dân tộc và đất nước vượt khó, phát triển bền vững.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần có những chính sách cụ thể có hiệu lực để thực hiện chiến lược này, tạo điều kiện và môi trường làm việc cho người hiền tài tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Thấy được nhà nước thật sự thành tâm trọng dụng nhân tài, tạo các điều kiện và môi trường tốt để làm việc, tôi tin rằng mọi người đều sẵn sàng hết lòng hợp tác, thậm chí chịu thiệt thòi để góp phần phụng sự Tổ quốc. Để tránh lạc quan quá mức, cần hiểu rằng đây mới là bước khởi đầu, con đường hồi sinh đất nước còn nhiều chông gai. Điều quan trọng là Chính phủ thành tâm, dân chúng đồng tình thì như Bác Hồ đã nói - nhiệm vụ nào ta cũng sẽ hoàn thành, khó khăn nào ta cũng sẽ vượt qua.

GS - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng:

Cần nhất là môi trường làm việc

Bây giờ Chính phủ mới phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài là muộn nhưng muộn còn hơn không.

Rất nhiều trí thức Việt kiều ở những lứa tuổi khác nhau đang giảng dạy và nghiên cứu tại các trung tâm khoa học lớn ở hầu hết các nước phát triển. Nhiều trí thức trẻ của chúng ta sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ được nước bạn mời ở lại làm cộng tác viên "sau tiến sĩ" với mức lương vài ngàn USD/tháng, trong khi nếu về nước thì chỉ có thể nhận mức lương khởi điểm là vài triệu đồng. Thu nhập thấp như vậy nhưng cũng đã có nhiều bạn chấp nhận về Việt Nam để sum họp gia đình và được cống hiến trực tiếp cho đất nước.

Nói vậy để thấy, khi người tài về nước, họ không yêu cầu về vật chất, tiền bạc. Cái cần nhất là môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học, tiệm cận với thế giới để họ được làm việc, phát huy năng lực của mình cũng như cống hiến cho đất nước. Nếu điều kiện làm việc không đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, rất khó có thể thu hút được nhân tài về công tác.

Ví dụ, nghiên cứu khoa học mà không có phòng thí nghiệm, không có tạp chí thì không đạt chuẩn quốc tế được, vì mình đâu có biết thứ mình nghiên cứu thế giới họ đã đi xa đến đâu. Điều kiện, môi trường làm việc chính là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.

NSƯT Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam:

Thăng hoa khi được động viên

Để nâng cao hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài, cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ về tuyển dụng, tiền lương cũng như các chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề có một đặc thù riêng. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy.

Đối với văn hóa - nghệ thuật, để thu hút nhân tài, rất cần môi trường tiếp cận được sự phát triển, dòng chảy chung của thế giới, khu vực. Nghệ sĩ cần môi trường để sáng tạo. Đôi khi tiền quan trọng nhưng nghệ sĩ cần hơn sự trân trọng, hiểu biết, nâng niu đúng lúc, đúng chỗ, tạo cho người ta niềm tin được tin tưởng, tôn vinh. Không phải trả nhiều tiền mà người ta chơi hay hơn, mà người ta thăng hoa khi được động viên cổ vũ.

Thêm vào đó, ai cũng muốn có được điều kiện vật chất tốt nhất có thể. Đó là điều kiện đầu tiên để người ta toàn tâm cống hiến cho đam mê của mình. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn cần sự ghi nhận của xã hội, của người dân, cơ quan quản lý để họ có sự tự tin rằng "tuy vật chất chúng tôi không bằng anh nhưng những thứ chúng tôi có các anh không chạm tới được". Cái đó với nghệ sĩ, rất quan trọng, cần thiết.

Lan Anh - Huy Lân ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo