Chiều 31-10, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết tổng cục chỉ có thể đề xuất, còn quyết định cụ thể ngày nào là do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). "Tuy nhiên, trên tinh thần là trong tháng 11 sẽ miễn, giảm giá vé" - vị này cho hay.
Nhiều trạm rục rịch giảm phí
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề xuất với Bộ GTVT giảm giá vé 2 trạm thu phí BOT là T1 và T2 trên Quốc lộ 91 đoạn qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh An Giang. Theo đề xuất này, từ ngày 1-11, phương tiện loại 1 giảm còn 30.000 đồng/xe/lượt, xe to nhất mức phí giảm từ 200.000 đồng/xe/lượt xuống còn 170.000 đồng/xe/lượt.
Đơn vị này cũng đề xuất giảm giá vé tại trạm BOT đóng ở Km1747 dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14, đoạn qua thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) do Công ty BOT Quang Đức làm chủ đầu tư, mức giảm từ 6%-14%.
Trạm BOT đóng ở Km1747 dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh được đề xuất giảm giá vé từ ngày 1-11 Ảnh: CAO NGUYÊN
Đối với trạm BOT Yên Lệnh, dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 38 - đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng theo hình thức BOT, cơ quan này đề xuất giảm giá 12%-15% đối với tất cả các phương tiện qua trạm. Theo đó, mức giảm được đề xuất thấp nhất là 20.000 đồng/xe/lượt và cao nhất là 160.000 đồng/xe/lượt. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị giảm giá cho các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính ở vùng lân cận trạm BOT Yên Lệnh thuộc 8 xã của huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) và TP Hưng Yên.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề xuất miễn phí, giảm vé qua trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 5. Tất cả phương tiện lưu thông qua trạm này được giảm giá vé 12%-25% so với hiện nay; kiến nghị giảm 100% giá vé đối với phương tiện xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn của người dân (không kinh doanh) khu vực lân cận trạm, bán kính tối đa 5 km...
Trạm BOT Đại Yên (Quảng Ninh) trên Quốc lộ 18 đoạn TP Uông Bí - TP Hạ Long cũng được đề xuất giảm từ 12%-15% đối với tất cả vé qua trạm, kể từ ngày 1-11. Trước đó, chủ đầu tư và cơ quan quản lý đã ban hành quyết định giảm giá vé tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), BOT Biên Hòa (Đồng Nai).
Chưa thuận lòng dân
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng đầu tư BOT là chủ trương đúng nhưng cách làm và triển khai như hiện nay là chưa thuận lòng dân. Không thể nào chỉ đầu tư, sửa chữa chắp vá đôi chút lại lập trạm thu phí.
Dẫn câu chuyện để được qua phà Vàm Cống, người dân ở trên tuyến Quốc lộ 80 chỉ tham gia trên đoạn đường BOT có vài trăm mét nhưng phải đóng mấy chục ngàn đồng mới được xuống phà, bà Kim Bé cho rằng "người dân đặt vấn đề có hay không đây là vì lợi ích nhóm?".
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) khẳng định thời gian qua, cách thức thực hiện một số dự án BOT kém, một số cán bộ thực hiện dự án thì tiêu cực, buông lỏng quản lý nên mới có chuyện người dân phản ứng không tốt. "Ngoài việc sửa sai, điều quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng BOT để làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là tay không bắt giặc" - ĐB Nghĩa thẳng thắn.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị đặc biệt lưu ý tới kiểm soát các cán bộ quản lý những dự án BOT. Bởi lẽ, những cán bộ này rất dễ móc ngoặc với các nhà đầu tư để đội vốn lên, tăng mức thu phí, đặt công trình sai vị trí. Khi cán bộ tiêu cực thì chất lượng công trình giao thông có thể sẽ gặp vấn đề.
ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh rằng những bất cập trong đầu tư BOT đã manh nha cuộc khủng hoảng chối bỏ BOT từ tất cả các bên, xem BOT như một "tội đồ" gây thiệt hại lợi ích, đặc biệt là lợi ích của người dân. Theo ông Thường, nguyên tắc cơ bản của một dự án hợp tác công - tư nói chung và BOT nói riêng là phải tạo ra công trình hoàn toàn mới bên cạnh công trình cũ đã có, để người sử dụng luôn có 2 lựa chọn giữa sử dụng miễn phí cái cũ và trả phí cái mới.
"Nhưng đáng tiếc nó đang bị vi phạm, đa số các dự án BOT không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu, thậm chí nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo, buộc người dân không có sự lựa chọn ngoài miễn cưỡng trả tiền để sử dụng công trình BOT" - ông Thường phân tích.
ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị Chính phủ phải sửa những cái sai, cái bất cập trong triển khai, thực hiện đầu tư BOT thời gian qua một cách quyết liệt. "Chính phủ phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với các bộ, ngành để xảy ra sai phạm" - ĐB Phong nhìn nhận.
Giám sát chặt doanh thu
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa ra quyết định kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với trạm BOT Km42+730 Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình; trạm BOT Bắc Bình Định Km 1148+1300 Quốc lộ 1; hai trạm BOT gồm trạm T1 tại Km5+775 trên Quốc lộ 1K và trạm T2 tại Km9+600 Quốc lộ 1K tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra, giám sát công tác thu phí và doanh thu đối với trạm Km 42+730 Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình từ ngày 10 đến 20-11. Trạm Bắc Bình Định từ ngày 3 đến 13-11. Hai trạm BOT T1 và trạm T2 trên Quốc lộ 1K từ ngày 1 đến 11-11.
Bình luận (0)