Trong Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt vấn đề cần thiết nâng số giờ làm thêm. Đó là đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người lao động (NLĐ) mất việc; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ. Do đó, cần có sự hỗ trợ NLĐ và DN, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của DN...
Theo quy định tại điều 107 Bộ Luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với NLĐ làm thêm không quá 40 giờ/tháng; một số ngành, nghề, công việc được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm. Do đó, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của NLĐ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Thực tế hiện nay cho thấy nhiều DN và NLĐ có nhu cầu làm thêm giờ. Với DN, làm thêm để giải phóng đơn hàng, tăng sản lượng, doanh thu... sau thời gian dài sản xuất, kinh doanh bị trì trệ vì đại dịch. Với NLĐ, làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, hơn nữa đây lại là khoản chiếm tỉ lệ lớn trong tổng thu nhập của NLĐ. Sau 2 năm khó khăn, nhiều người muốn làm thêm, làm bù cho những khoảng thời gian đã mất, để cải thiện cuộc sống trong thời điểm khó khăn chưa dứt...
Thấu hiểu nhu cầu này nên trong báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhất trí với Chính phủ sự cần thiết mở rộng các ngành, nghề, công việc được áp dụng tối đa 300 giờ/năm. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ và chỉ áp dụng đối với đối tượng đã được quy định mức trần làm thêm trong năm là 300 giờ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).
Rõ ràng nhu cầu làm thêm giờ là chính đáng, song phải được xem xét một cách khoa học, phù hợp xu thế phát triển và nhất là yếu tố sức khỏe, an toàn lao động. Vấn đề này cũng nên xem là giải pháp tình thế khi vừa phòng chống đại dịch vừa phục hồi kinh tế, không phải là giải pháp dài lâu. Để thực hiện chính sách này hiệu quả, cần khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ, trong trường hợp phải làm thêm giờ thì có chế độ phúc lợi phù hợp cho NLĐ.
Khi được cấp thẩm quyền cho phép, đưa vào vận hành, cần đặc biệt lưu ý tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận, không ép buộc. Các quy định pháp luật lao động đưa ra các nguyên tắc này nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ lao động, tránh tình trạng lợi dụng để khai thác sức lao động quá mức và có tính áp đặt, ép buộc NLĐ phải làm thêm. Đã từng xảy ra tình trạng DN tìm nhiều cách thức để trù dập NLĐ khi NLĐ không đồng ý thỏa thuận làm thêm.
Luật pháp phải nhân văn, chặt chẽ và có tính khả thi là vậy.
Bình luận (0)