Trả lời câu hỏi trên, đại đa số cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước mang lại cuộc sống chất lượng hơn
Ngày 24-1-2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 cho phép TP HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM phát triển. Sau đó hơn 1 tháng, TP đã có ngay một kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai do đích thân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ký. Theo đó, UBND TP xác định 21 đề án, nội dung cần thực hiện. Ở kỳ họp HĐND vừa rồi đã có 6 đề án được thông qua, trong đó có đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học - gọi chung là thu hút nhân tài, cho thấy TP rất coi trọng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Yêu cầu từ thực tiễn
Lý do được TP HCM đưa ra là để thực hiện các mục tiêu phát triển TP nhanh và bền vững về mọi mặt như chỉ tiêu Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị đề ra thì việc chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Theo Sở Nội vụ TP - đơn vị chủ trì đề án, trong giai đoạn từ nay đến năm 2022 và các năm tiếp theo, TP sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, các khu kinh tế, cũng như đẩy mạnh các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao mang tính cạnh tranh quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, TP cần đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách; phải thu hút được đội ngũ trí thức có trình độ, năng lực chuyên môn xuất sắc, có tư duy đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và tâm huyết làm lực lượng nòng cốt về tư vấn chiến lược. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia được tuyển chọn sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo về khoa học, công nghệ; thực hiện, phát triển các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; giáo dục, đào tạo; bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực tổ chức; tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đồng cho rằng nhân tài như bảo kiếm. Vì vậy, việc thu hút nhân tài là một việc làm hết sức quan trọng. Theo ông Đồng, TP nên học Hàn Quốc, Indonesia, Singapore..., ngoài việc kêu gọi người dân sinh sống, làm việc tại nước ngoài có kinh nghiệm, chuyên môn trở về nước làm việc thì đối với người nước ngoài nếu làm việc tại nước họ hơn 10 năm thì được hưởng hoàn toàn nhà ở, bảo hiểm xã hội, phương tiện đi lại mà không phải trả đồng tiền nào. Do đó, ông Đồng cho rằng lãnh đạo UBND TP tạo điều kiện hành chính thật đơn giản, tạo điều kiện về nhà ở, bảo hiểm để họ không phải bận tâm mà chỉ lo nghiên cứu và làm việc. Ông chia sẻ có thể gọi 5 hay 10 giáo sư giỏi về làm việc tại TP nhưng khi nói đến môi trường làm việc thì họ từ chối ngay vì có quá nhiều bất tiện, đòi hỏi phải thay đổi.
Lao động trẻ tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những vướng mắc, tồn tại
Sở Nội vụ TP khẳng định không phải từ bây giờ mà từ lâu TP HCM đã thấy nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư của TP; đồng thời mang lại những thay đổi cơ bản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, từng bước mang lại cuộc sống chất lượng tốt hơn cho người dân.
Bằng chứng là nhiều năm qua, TP đã có nhiều chính sách đột phá về chính sách tiền lương, thu nhập để thu hút người tài, trong đó nổi bật nhất là Quyết định 5715 vào cuối năm 2014, quy định thù lao chi trả cho mỗi chuyên gia theo thỏa thuận có thể lên tới 150.000.000 đồng/tháng. Bốn đơn vị thực hiện thí điểm chương trình này là Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, các chính sách này chưa đạt được kết quả đột phá như mong muốn. Trong 4 năm (2014-2017), TP mới chỉ thu hút được 15 chuyên gia (trong đó có 5 chuyên gia người nước ngoài; 2 người Việt Nam và 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài). Đáng tiếc hơn là đến nay chỉ còn lại 10 trường hợp đang tiếp tục công tác. Lý do, việc phát hiện, thu hút chuyên gia chủ yếu phụ thuộc vào sự chủ động tìm kiếm và đề xuất của cơ quan, đơn vị có nhu cầu thuê nên chất lượng tuyển chọn chưa đồng đều. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dù đã cao hơn nhưng chưa đủ sức hấp dẫn; khiến cho nhiều chuyên gia còn e ngại và hạn chế cơ hội mở rộng hợp tác với các cơ quan, đơn vị của TP. Việc tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thông tin, đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp phù hợp cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chưa được quan tâm, triển khai đồng bộ nên hiệu quả mời gọi và sử dụng nhân lực chuyên gia còn thấp. Việc giữ chân nhân tài và hạn chế chảy máu chất xám là vấn đề lớn và khó khăn đang đặt ra đối với TP.
Nói về những chính sách thu hút nhân tài trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận mặc dù từ trước đến nay, TP luôn có nhiều chính sách thu hút nhân tài nhưng đã lạc hậu, nhiều chính sách không còn phù hợp với thực tế phát triển hiện nay nên phải đổi mới cách để thu hút được nhân tài góp sức xây dựng và phát triển TP. Do đó, việc cho ra đời đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học áp dụng những cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 là giải pháp đòn bẩy để TP đủ sức huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao tầm vóc và vị thế trong thời gian tới.
Hàng loạt ưu đãi
Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học giai đoạn 2018-2022 của UBND TP HCM nêu rõ các chuyên gia, nhà khoa học sau khi được lựa chọn sẽ nhận mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng.
Cứ mỗi công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, công nghệ từ cấp TP và tương đương trở trên được cơ quan thẩm quyền công nhận, phê duyệt thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí cho đề tài đó…
. Kỳ tới: Tiền không là tất cả
Bình luận (0)