Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu rộng nên thực hiện giảm giờ làm cũng là thể hiện sự tiến bộ. Nhiều chuyên gia lao động - xã hội đã nhìn nhận như vậy về đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.
Người lao động cần thêm thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam đang thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực. Về thời giờ làm việc bình thường, theo khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO, cùng với khoảng 40 nước khác, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường trong tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên). Về giờ làm việc thực tế trung bình trong năm, khảo sát 63 quốc gia năm 2014 cho thấy Việt Nam xếp thứ 3 trong số nhóm các quốc gia có giờ làm việc thực tế cao nhất (từ 2.250 - 2.500 giờ) với mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ - cao hơn 60 nước, chỉ xếp sau Campuchia và Bangladesh.
Đó là một vấn đề phải nhìn thẳng để cải thiện. Ai cũng biết tình trạng làm việc trong thời gian dài, cường độ cao sẽ tạo ra những hậu quả không tốt cho sức khỏe người lao động (NLĐ), ảnh hưởng cuộc sống của bản thân NLĐ và gia đình họ, tác động đến quan hệ lao động cũng như sự phát triển của doanh nghiệp (DN)...
Hiện cũng có nhiều tiếng nói từ phía DN đề nghị chưa nên giảm giờ làm việc trong tuần từ 48 giờ xuống còn 44 giờ như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Các DN lo lắng nếu áp dụng giảm giờ làm sẽ tăng thêm chi phí trong quản lý sản xuất, từ đó tăng giá thành, giảm lợi nhuận. Trong hoàn cảnh luôn đối diện áp lực cạnh tranh, những vất vả, lo lắng của người điều hành DN là rất đáng được chia sẻ. Hơn ai hết, họ luôn cân nhắc, tính toán để có lợi nhuận, duy trì và phát triển DN.
Song cũng từ DN cần nhìn rộng ra thế giới hôm nay. Giảm giờ làm việc trong tuần là một vấn đề xã hội trong thời hội nhập, liên quan đến sự phát triển, chăm lo cho con người. Nhân loại ngày càng hướng đến sự phát triển bền vững, một trong những mối quan tâm hàng đầu là chăm lo phúc lợi, nâng cao chất lượng sống của cá nhân, cộng đồng và xã hội. Khi làm việc với cường độ vừa phải, NLĐ sẽ có thời gian tái tạo sức lao động, chăm lo gia đình, con cái, từ đó mới có thêm những lợi ích lớn hơn, xã hội phát triển hài hòa hơn. Khi NLĐ làm việc với tâm thế thoải mái, sức khỏe tốt, năng suất lao động sẽ cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, uy tín của DN cũng như lợi nhuận sẽ tăng.
Mặt khác, trong cái nhìn đồng cảm với DN, cũng cần xem xét thực tế là phải giữ được sức cạnh tranh về lao động và do bức bách của đời sống, nhiều NLĐ có nhu cầu làm thêm để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Do đó, trong nội dung Bộ Luật Lao động sửa đổi có thể linh hoạt "mềm hóa" quy định về thời gian làm thêm cho phù hợp thực tế và nhu cầu của cả hai bên trong quan hệ lao động.
Đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm hướng đến hàng chục triệu lao động có được cuộc sống dễ chịu hơn, cùng với rất nhiều lợi ích từ đây mang lại cho xã hội. Về phía DN, nếu được linh hoạt thời giờ làm việc trong khuôn khổ pháp luật, DN có thêm lợi thế để phát triển bền vững.
Bình luận (0)