Có lẽ tất cả bắt nguồn từ chữ "sợ". Các cơ quan chức năng liên quan sợ, chủ đầu tư sợ và đến cả người tham gia giao thông cũng sợ. Cơ quan quản lý của nhà nước thì sợ trách nhiệm. Chủ đầu tư sợ khó thu hồi vốn và lợi nhuận. Còn người tham gia giao thông sợ mất tiền oan.
Vấn đề quan trọng nhất là đến giờ Quốc hội vẫn chưa thông qua văn bản nào "có tính luật" cho loại hình đầu tư mới mà không mới này. Các văn bản hiện nay vẫn là các văn bản dưới luật, chồng chéo và chưa cụ thể. Trước đây, chính vì lợi dụng sự chưa thống nhất, minh bạch và có phần còn nôn nóng của các địa phương lẫn các cơ quan quản lý giao thông nên các nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để "đẻ" ra một loạt dự án BOT giao thông trên cả nước. Tất cả chỉ thực sự chững lại trước làn sóng phản đối của người dân tham gia giao thông buộc phải trả phí, để rồi sau đó khi các cơ quan chức năng của Chính phủ, Quốc hội vào cuộc thanh - kiểm tra, mới lộ rõ rất nhiều sai phạm mang tính hệ thống, trên hầu hết tất cả các dự án BOT đã và đang hoàn thiện. Nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm hàng loạt này đa phần đều bắt nguồn từ kẽ hở trong các văn bản hướng dẫn. Đó là sự chồng chéo, chưa nhất quán giữa các bộ, ngành liên quan.
Ngay trong Nghị quyết 437/UB-TVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhấn mạnh cần phải sớm ra đời một bộ luật riêng cho loại hình hợp đồng đặc thù này, vì chỉ có như vậy nhà nước mới có thể quản lý chặt chẽ, có chế tài xử phạt rõ ràng, có quy định mang tính bắt buộc cho mọi công đoạn từ khảo sát, tư vấn, thiết kế, xây dựng, kinh doanh được công khai, minh bạch. Có như thế, bên nào sai thì bên đó phải chịu trách nhiệm cụ thể chứ không phải như hiện nay: Lời thì nhà đầu tư hưởng, lỗ thì nhà nước chịu, trách nhiệm cuối cùng lại đổ ngược về phía người sử dụng.
Cũng chỉ khi các văn bản này được thống nhất dưới hình thức luật cụ thể, nhất quán thì người dân mới có thể tin vào sự minh bạch của các dự án BOT giao thông, xóa dần đi "ác cảm" về các dự án BOT giao thông, từ đó mới vui vẻ móc hầu bao trả phí, nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư các dự án BOT tương lai.
Trong khi đợi Quốc hội thông qua một văn bản luật cho loại hình đầu tư này thì nhà nước, Chính phủ cùng các bộ - ngành liên quan nên giải quyết rốt ráo, dứt điểm những vướng mắc tại các dự án BOT giao thông đang còn gây tranh cãi. Từ đó nhà đầu tư cũng như người dân mới tin tưởng về loại hình mang nhiều ưu việt này.
Bình luận (0)