Tôi không dám gọi ông là người hoàn hảo nhưng những gì ông làm, những suy nghĩ, lời nói, hành động dù nhỏ nhoi cũng gây trong tôi nhiều ấn tượng. Nói đúng hơn ông là người truyền đạt, tạo dựng trong tôi niềm tin vào sự tốt đẹp của con người, cuộc sống qua chính hình ảnh của ông. Ông là... ba tôi!
Luôn nghĩ đến xã hội, cộng đồng
Điều tôi tâm đắc nhất ở ba chính là thái độ sống vì cộng đồng; ba tuyệt đối không làm việc gì có lợi cho mình mà phương hại đến người khác, đến xã hội, cộng đồng.
Tôi nhớ hơn 20 năm trước. Ngày đó kinh tế gia đình còn eo hẹp, ba bán cơm bình dân, rồi dựng thêm vài phòng trọ đơn sơ cho sinh viên ở. Riêng nhà vệ sinh thì khá tốn kém vì phải làm kiên cố đúng quy chuẩn xây dựng. Đứa cháu làm thợ bảo nếu không đủ kinh phí thì khỏi làm hầm chứa, cứ... cho ra thẳng ngoài cống! Tưởng "hiến kế" hay ai dè ba quở trách cho một trận. Ba bảo ai làm ăn kỳ khôi vậy, cống rãnh để thoát nước chứ đâu để thoát ba cái thứ đó. Thế là ba quyết vay mượn tiền thêm để làm đâu đó đàng hoàng.
Hình ảnh ba tôi với chiếc xe đạp, cái gà-mèn, giỏ xe đầy rau cải rất quen thuộc với nhiều người
Nhà trọ của ba tuy chật hẹp, tiện nghi thiếu thốn nhưng luôn "cháy phòng" bởi tính ba tuy nghiêm túc trong sinh hoạt nhưng rất dễ dãi về mặt tình cảm, tiền bạc. Với mấy bạn sinh viên nghèo khó, ba luôn "trợ giá" tiền trọ; nhiều bạn chỉ ăn cơm với rau luộc và tôi thấy ba thường san sẻ khúc cá, miếng thịt. Ba hay đùa: "Cá kho, thịt kho ế, tụi bây ăn đi!".
Nhà trọ đông người chứ ngăn nắp lắm, ý thức vệ sinh môi trường rất cao. Rác phải phân loại trước khi bỏ đúng nơi quy định. Tự tay ba gom góp các loại rác "ve chai" để bán, tiền thu được cũng mua hết trái cây cho các bạn ăn nên hầu như ai cũng vui vẻ, đồng lòng.
Ba là người có ý thức gìn giữ môi trường rất cao. Hàng chục năm qua ba vẫn trung thành với chiếc xe đạp từ lúc còn khó khăn đến khi đã sở hữu 2 chiếc xe máy đời mới. Hình ảnh ba với chiếc xe đạp rất quen thuộc với nhiều người. Đi mua thức ăn điểm tâm thì ba luôn xách thêm cái gà-mèn, cũng như đi chợ hàng hóa gì ba cũng cho vào giỏ xe nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông. Ba nói nếu ai cũng làm vậy sẽ ngăn được một khối lượng rất lớn rác ni-lông độc hại thải ra môi trường.
Dạy con sống tốt và tự tin
Năm 2010 tôi vào đại học, ba cũng chuyển sang nghề photocopy. Ngày đầu đưa tôi lên TP HCM trọ học, ba giao hẳn cho tôi chiếc xe máy làm phương tiện "hành nghề" gia sư như tính toán ban đầu. Ba bảo không biết đường thì hỏi, đường trong miệng mình mà! Khi tôi tỏ ý lo sợ này nọ thì ba trấn an: "Đúng là đất Sài Gòn có cạm bẫy, rủi ro nhưng ba nghĩ cái tốt luôn là số đông và hiện diện khắp mọi nơi, con cứ sống tốt và tự tin vào cuộc sống". Thật vậy. Đã có ít nhiều điều va vấp, không may..., nhưng tôi luôn yêu thương và trân quý thành phố này bởi vô vàn những tấm lòng luôn rộng mở san sẻ, yêu thương, đùm bọc, nuôi dưỡng hàng triệu con người. Giờ này dù ở phương trời nào tôi vẫn không quên TP HCM chất chứa nghĩa tình, thân thương, kỷ niệm. Ba nói đúng: "Hãy tin vào cuộc sống bằng chính thái độ và cách đối xử với cuộc sống của chính bản thân mình".
Ngay từ năm nhất đại học, khi mọi sinh hoạt đi dần vào nề nếp thì ba gởi ngay cho tôi "thông điệp" rằng: "Ba thấy các sinh viên thường tham gia hiến máu nhân đạo, con gái tính sao?". Một gợi ý nhân văn mà với tôi như một mệnh lệnh từ trái tim và tấm lòng của ba. Không chỉ một mà tôi đã nhiều lần làm việc đó với niềm vui nhân đôi! Có thể nói trên bước đường học tập, tạo dựng sự nghiệp, cuộc sống tôi đã học và làm được cái cách sống đơn giản ba dạy là "sống sao cho đàng hoàng, tử tế". Còn với tôi, điều tôi chưa thể hình dung và làm được là chữ hiếu!
Tấm gương về lòng hiếu thảo
Ba là con út, sống cùng ông bà nội. Từ tấm bé tôi đã thấy ba chăm sóc ông nội bị suy tim, phổi tắc nghẽn mãn tính... Tuy bận bịu với việc mưu sinh nhưng ba không hề xao lãng việc chăm sóc ông. Ngày nào ba cũng đo huyết áp, phân chia thuốc 3 cữ sáng, trưa, chiều. Nhiều đêm ba gần như thức trắng vì phải đỡ nội ngồi lên, chêm gối, xịt thuốc cho dễ thở. Mấy năm trời gần như ba không một lời than van cho đến ngày ông nội ra đi.
Ba tôi thường xuyên trò chuyện cho não của bà nội hoạt động và bà đỡ buồn
Ông nội mất, ba kê giường ngủ kế bên bà nội cho đỡ buồn và cũng để trông chừng vì bà nội đã bước sang tuổi 80. Ba chu đáo đến mức khó tính trong việc lo miếng ăn cho nội. Nhiều hàng quán rất quen thuộc với hình ảnh ba và cái gà-mèn mua điểm tâm cho nội. Tự tay ba bóp vụn từ cọng giá, kiểm tra coi cọng hủ tiếu có mềm chưa... Tuy khó chịu nhưng rồi ai cũng nể phục trước chữ hiếu của ba.
Hầu như nội muốn ăn gì ba cũng tìm mua và thực hiện cho bằng được. Có khi ba lần quần trong bếp mấy tiếng đồng hồ chỉ để ninh nhừ ít ỏi thức ăn cho nội; mua tô phở về ba cũng bằm nát thịt bò cho dễ ăn. Những hành động tưởng chừng đơn giản đó cũng khó mà làm được nếu không có tấm lòng, trái tim yêu thương. Và có lẽ tình yêu thương đó đã quấn quít, nuôi dưỡng tâm hồn và thể xác của người bà tròn trăm tuổi cùng người con trai út đã bước vào tuổi 60 ngày ngày ngoáy trầu dâng mẹ!
Hết lòng giúp đỡ người nghèo
Công việc photocopy của ba cũng có nhiều chuyện "lạ". Với thầy cô và học sinh, sinh viên là đối tượng được ưu đãi nhất về giá. Trong suy nghĩ của ba, giáo dục là cái gì đó rất đáng quý, hệ trọng đối với con người, cuộc sống, đất nước. Với ba, góp được gì đó cho môi trường giáo dục là việc rất nên làm. Đặt biệt với các bạn học sinh, sinh viên nghèo, người dân tộc thiẻu số, vùng sâu..., ba còn ưu đãi hơn, thỉnh thoảng ba còn cho tặng tài liệu học tập. Bất cứ ai gởi tài liệu qua mạng ba đều in ra dù quen hay lạ. Ba nói không in lỡ tới giờ học không có thì phiền lắm.
Lúc mới ra nghề ba còn lãnh đánh máy vi tính, sau photocopy đem lại thu nhập khá lên, ba mới ngưng đánh máy. Tuy nhiên, ba lại sẵn sàng đánh máy giúp cho người mua bán nhỏ như sâm lạnh, cơm tấm, chuối chiên, đá bịch... Ba nói cái chính là muốn giúp họ thôi, vì ba biết đôi khi mấy thứ lắt nhắt, chút ít này cũng khó có nơi nhận làm.
Thế gian này thật khó có con người hoàn hảo, cũng như tôi không dùng những từ lớn lao với ba, song chắc chắn ba tôi là một con người biết sống đàng hoàng, tử tế! Có lẽ điều đáng nói ở chỗ ba chỉ là một con người bình thường, không học thức, không địa vị xã hội. Những suy nghĩ, hành động, việc làm của ba không hề mang tính cao xa, mô phạm, mà đầy sự dung dị, nghĩa tình, đời thường, thiết thực. Ba còn có đức tính khiêm tốn nên gần như không hề quan tâm hay nghĩ đến những việc làm ý nghĩa của mình mà ba chỉ bảo "ai cũng vậy mà".
Nhường phần cho người khác
Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, hầu như tiệm photocopy nào cũng đóng cửa vì chẳng có nhu cầu. Nhưng khi nhà nước tiến hành thủ tục trợ cấp đầu tiên cho đối tượng là người nghèo, công nhân viên mất việc thì rất cần photocopy giấy tờ. Trớ trêu là thời điểm đó vẫn còn áp dụng Chỉ thị 16 nên việc mở cửa tiệm là vi phạm. Biết vậy nhưng ba vẫn âm thầm làm vì "thấy họ thất vọng, khổ sở, năn nỉ tội quá". Chỉ một mảnh giấy photocopy mà mang lại niềm vui cho nhiều người thì có bị phạt ba cũng làm thôi, may là ba chỉ bị phường nhắc nhở! Khi Nhà nước tiến hành trợ cấp cho nhiều đối tượng hơn, trong đó có ba do cửa hàng không hoạt động được vì giãn cách xã hội nhưng ba không làm thủ tục vì... mình còn trụ được thì nhường phần cho người khác thôi.
Ba là vậy...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)