xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng chất lao động làm việc ở nước ngoài

VĂN DUẨN

Bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, cần có chính sách để lao động Việt Nam ở nước ngoài nâng cao trình độ chuyên môn

Sáng 13-7, tại phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Truyền bá văn hóa Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý luật này quy định rất rõ là đối tượng đi làm việc ở nước ngoài "theo hợp đồng", chứ không phải lao động tự do ở khu vực biên giới, đi thăm người thân hay du học kết hợp làm việc; kể cả chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhắc lại ý kiến thảo luận của các đại biểu tại các phiên họp trước. Đó là cần có tư duy mang tính chiến lược về việc nâng tầm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời có chính sách đủ mạnh để lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có chất lượng cao hơn.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng để đạt mục tiêu trên, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ còn cần có sự chuẩn bị về vấn đề văn hóa, làm thế nào để những người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có thể giới thiệu, quảng bá về những nét đẹp của văn hóa Việt Nam...

Nâng chất lao động làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam làm việc trong ngành xây dựng tại Cộng hòa Liên bang Đức Ảnh: GIANG NAM

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị dự luật cần quy định các thủ tục, trình tự bảo vệ người lao động khi xảy ra sự cố tại nước ngoài nhằm bảo đảm nhanh chóng bảo hộ họ một cách thiết thực, hiệu quả nhất.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dự thảo được dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trong việc quản lý số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, luật bổ sung một số nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong việc phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và chính quyền địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sau khi họ trở về nước...

Băn khoăn mô hình trung tâm dịch vụ việc làm

Phát biểu góp ý về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, lưu ý hiện ở địa phương có một số trung tâm dịch vụ việc làm và "họ chỉ đào tạo mảng dễ". Vì vậy, nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) dịch vụ tham gia sâu vào lĩnh vực này. Nhà nước có thể đấu thầu để DN tham gia. Trong quá trình hoạt động, DN nào không đủ điều kiện thì rút giấy phép hoạt động.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp do chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp thành lập, do UBND tỉnh quản lý trực tiếp hoặc giao cho sở LĐ-TB-XH quản lý trực tiếp theo Luật Việc làm. Trung tâm này chỉ giúp cho UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý, đưa người đi lao động và theo dõi vấn đề này, còn toàn bộ ngân sách hoạt động của trung tâm do UBND tỉnh cấp.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, trung tâm dịch vụ việc làm không thu kinh phí của người lao động. Đây là điểm khác so với các DN đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. "Những chi phí liên quan đến việc đưa người đi lao động ở nước ngoài đều do UBND tỉnh cấp. Do đó, nếu không giao cho trung tâm dịch vụ việc làm mà để DN làm thì sẽ thu tiền của người lao động" - ông Đào Ngọc Dung lý giải.

Phát biểu thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng các trung tâm dịch vụ việc làm tồn tại do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, được thực hiện đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo dạng hợp đồng, không phải mang tính cạnh tranh, mà để thực hiện các thỏa thuận theo điều ước quốc tế đã cam kết.

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (điều 10), đa số ý kiến thống nhất chỉ quy định về vốn điều lệ của DN để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật DN. Các ý kiến cũng thống nhất mức vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỉ đồng và giữ quy định về thời gian 5 năm kinh nghiệm đối với người đại diện theo pháp luật của DN. 

Tiền dịch vụ bảo đảm hợp lý, minh bạch

Về tiền dịch vụ (điều 24), có ý kiến cho rằng cần bỏ quy định người lao động phải đóng tiền dịch vụ và cũng có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ mức trần, mức phí.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng DN phải thực hiện nhiều thủ tục, quy trình từ tìm kiếm thị trường, đối tác, đàm phán hợp đồng, tuyển chọn, bổ túc nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, hỗ trợ các thủ tục xuất nhập cảnh... nên cần có chi phí. Tuy nhiên, việc thu tiền dịch vụ của người lao động phải bảo đảm hợp lý, minh bạch, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan. Hiện nay, dự thảo luật quy định DN dịch vụ không được thu tiền môi giới, bên cạnh đó, dự kiến bổ sung nguyên tắc để xác định mức trần tiền dịch vụ, bảo đảm quyền lợi người lao động.

Mỗi năm có khoảng hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện có khoảng 580.000 người đang làm việc ở 43 quốc gia, vùng lãnh thổ, đem lại nguồn thu cho ngân sách khoảng 5 tỉ USD/năm.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo