Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để lấy ý kiến các bên liên quan, người dân.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong cơ quan nhà nước thời gian qua còn gặp một số hạn chế, bất cập. Trong đó, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của chính sách phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; bố trí việc làm chưa phù hợp; cơ hội thăng tiến bị hạn chế; thu nhập, đãi ngộ thiếu thỏa đáng; môi trường, điều kiện làm việc không đủ sức hấp dẫn nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương không giữ chân được nhân tài. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, cũng chưa có được những thẩm quyền, điều kiện cần thiết trong thực hiện các biện pháp thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Bộ Nội vụ cũng chỉ ra tình trạng "chảy máu" nhân tài, thiếu người làm được việc trong cơ quan nhà nước đã kéo dài nhiều năm chưa khắc phục được.
Theo Bộ Nội vụ, dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Chiến lược có mục tiêu thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt nhân tài là người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Trong giai đoạn 2021-2025, chiến lược đặt ra mục tiêu 100% bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược này và tình hình thực tiễn. Chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học - công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục, y tế, công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao…
Đối với giai đoạn 2026-2030, Bộ Nội vụ đề xuất 100% bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương bảo đảm khung tỉ lệ tối thiểu từ 2%-5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10%-15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Bộ Nội vụ, việc thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng "có vào, có ra, có lên, có xuống". Dự thảo chiến lược cũng tiến tới hình thành và phát triển thị trường nhân tài trong nước và khai thác hiệu quả thị trường nhân tài quốc tế, chủ động tạo nguồn cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, đủ khả năng và điều kiện giải quyết các nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đề xuất thành lập quỹ phát triển nhân tài quốc gia
Bộ Nội vụ đề xuất thành lập quỹ phát triển nhân tài quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ này có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, thu hút, bồi dưỡng nhân tài theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi của chiến lược. Kinh phí bước đầu do ngân sách nhà nước hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ bằng các nguồn vốn hợp pháp.
Bình luận (0)