Ngày 19-11, chúng tôi đến thăm nhà cô Trương Thị Mai, nguyên giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng (phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Từ sáng sớm, căn nhà nhỏ nằm sau ngôi trường hơn 40 năm tuổi đã tràn ngập hoa và tiếng cười nói của nhiều thế hệ học trò đến thăm cô giáo cũ.
Cô trò rau cháo nuôi nhau
Cô Trương Thị Mai quê ở Quảng Nam, di cư vào Buôn Ma Thuột sinh sống. Năm 1963, lúc đó cô Mai mới 3 tuổi thì người mẹ đã hy sinh trong một trận đánh của quân Mỹ. Năm năm sau, cha cũng tử trận, để lại 2 chị em cô - người mới 8 tuổi, người 10 tuổi. Trong năm này, cô và chị đã đi bộ ròng rã 3 tháng trời từ Đắk Lắk ra Hải Dương để học tập theo diện đào tạo học sinh miền Nam. Sau đó, chị em cô Mai quay lại Đắk Lắk để học cấp 3 rồi học Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt. Năm 1987, cô về dạy tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng cho đến lúc nghỉ hưu. Trong suốt sự nghiệp trồng người của mình, cô luôn được học trò quý mến, đồng nghiệp tin yêu.
Những lẵng hoa tươi thắm được học trò dâng tặng cô Mai
Anh Y Lam Niê - giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng, một học trò của cô Mai - cho biết khi anh lên cấp 2 thì phải xa nhà ra Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng để học. "Đi học xa nhà, cuộc sống khi đó còn vô vàn khó khăn nên nhiều lúc tôi đã nghĩ đến việc bỏ học. Khi ấy, cô gặp tôi hỏi chuyện nhà, chuyện học và những khó khăn rồi khuyên bảo, động viên rất nhiều" - anh Y Lam Niê nhớ lại.
Sáng 19-11, rất đông học trò tề tựu về nhà cô Mai chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
Không có điều kiện ở trọ, anh Y Lam Niê và nhiều người bạn được cô cho ở trong căn nhà chật hẹp của mình. Cứ cuối tuần, anh Y Lam Niê lại mượn xe đạp vượt gần 100 km về nhà lấy ít gạo, rau lên góp vào bữa ăn của cô trò. Nhiều lúc thấy học trò vất vả đường xa, cô chảy nước mắt bảo thôi cứ ở lại đói khổ, rau cháo cô trò cùng nuôi nhau. "Những lúc học trò làm sai, khuyên nhủ không được, cô cũng la mắng. Dù vậy, tụi tôi không đứa nào oán trách vì biết cô vì thương mới mắng. Cô luôn đối xử công bằng với từng học trò của mình. Đứa nào ngoan hiền thì cô thương yêu, đứa nào cá biệt la rầy không được thì cô lại bật khóc ôm vào lòng. Vì thương cô nên những học sinh cá biệt cố gắng tự sửa đổi bản thân" - anh Y Lam Niê tâm sự.
Góp vào câu chuyện, anh Trần Quang Quân, công tác tại Truyền tải điện Đắk Nông, cho biết mình cũng là một trong những học sinh được cô Mai cho ở nhờ. Anh Quân kể đó là vào khoảng năm 1989, do nhà nghèo, đi học xa, anh đến nhà cô Mai xin ở nhờ. "Mỗi tháng tôi chỉ mang được ít ký gạo, rau góp vào để cô nấu ăn. Vất vả lắm nhưng những năm tháng đó rất đáng nhớ khi chúng tôi được cô yêu thương đùm bọc, dạy dỗ, coi như con cái trong nhà" - anh Quân chia sẻ.
Soi mình vào cô để sống tốt
Sáng 19-11, chị Phạm Thị Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), có mặt tại nhà cô Mai từ rất sớm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Quý cho biết năm 1989, sau khi học xong cấp 2, trong huyện không có trường cấp 3 nên chị xin ra học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng. Nhận xét về cô giáo của mình, chị Quý không ngần ngại bày tỏ sự thương yêu, ngưỡng mộ. Chị Quý cho biết bản thân không chỉ học cô Mai kiến thức mà còn xem cô là tấm gương về nhân cách để noi theo. Hồi đó, ngoài giờ lên lớp, cứ rảnh là cô Mai lui tới khu nội trú để xem học trò nào hư thì khuyên răn, khó khăn thì giúp đỡ. Dù cô không giàu có gì nhưng chẳng bao giờ tiếc với học trò.
"Tôi không ở nhờ nhà cô nhưng có bài không hiểu lại đến nhà nhờ cô giảng, đói thì đến nhà cô xin thức ăn. Đã hơn 26 năm ra trường, giờ tôi cũng làm trong ngành giáo dục. Với tôi, bao giờ cô cũng như người mẹ. Thỉnh thoảng cô gọi điện hỏi thăm, động viên và chia sẻ những khó khăn trong công việc. Đặc biệt, bao giờ cô cũng răn dạy dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng phải giữ cho mình cái tâm của nghề giáo. Những lời cô dạy là hành trang quý báu, cô là tấm gương để tôi soi mình vào đó khi nối bước đem tri thức đến với bao thế hệ học trò" - chị Quý xúc động.
Khi chúng tôi "mách" lại những câu chuyện, những lời khen tặng, ngưỡng mộ của các học trò - giờ đã thành đạt, cô Mai chỉ cười giản dị: "Tôi luôn tâm niệm nếu mình thực lòng, lấy cái tâm để dạy dỗ các em thì thế nào cũng thành công. Tôi rất tự hào khi chứng kiến bao thế hệ học trò đã thành tài. Và dù có đi đâu, bận rộn thế nào thì vào những dịp lễ - Tết, các em đều ghé thăm, gọi điện chúc mừng, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất đối với một giáo viên".
Kỳ tới: Một đời ở "lẻ"
Về bên cô để cuộc sống lắng lại
Anh Lê Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đắk Lắk, cho biết sau khi tốt nghiệp, anh may mắn làm việc gần nhà cô Mai nên rất thường xuyên lui tới. "Cuộc sống với nhiều áp lực, những lúc về bên cô, tôi được lắng lại. Đó là khoảng thời gian bình yên để suy nghĩ, đưa ra những dự định mới cho cuộc đời" - anh Thịnh nói.
Bình luận (0)