Sáng 17-11, Thường trực Thành ủy, UBND TP HCM đã có buổi gặp gỡ với gần 300 nhà giáo tiêu biểu, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982-20.11.2017).
Đứng trên bục giảng vẫn lo đau đáu
Tại buổi gặp gỡ, nhiều nhà giáo đã bày tỏ tâm tư về nghề, về mức lương hiện nay chưa khiến người thầy yên tâm đứng trên bục giảng.
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, chia sẻ: Giáo dục ngày càng phát triển nhưng chưa vững bền, giáo viên chúng ta làm cái gì cũng hay nhưng hỏi có sống được bằng lương hay không thì rất khó trả lời. "Người thầy mà đứng trên bục giảng nhưng vẫn lo đau đáu, chạy vạy kiếm sống là mất mát lớn của thành phố, của ngành. Bởi vì khi phải lo nghĩ về chuyện khác thì họ không làm hết chức phận của mình" - ông Minh trải lòng.
Lương của giáo viên cũng là chủ đề nhận được nhiều ý kiến nhất trong buổi gặp gỡ. ThS Phan Văn Quang, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho rằng đời sống của người dân TP HCM ngày càng được nâng cao nhưng đời sống của người thầy hiện nay vẫn bấp bênh, không ổn định. Những bất hợp lý trong cách tính lương dẫn đến tiền lương của giáo viên thấp, không bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu. Nhiều giáo viên sau nhiều năm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục nhưng khi chuyển công tác từ trường về phòng GD-ĐT thì bị cắt một số phụ cấp, chế độ. Ông Quang đề nghị TP quan tâm, kiến nghị sửa đổi những bất cập về chính sách tuyển dụng, tiền lương của giáo viên. Chẳng hạn như đặc thù của ngành mầm non là phải có nhân viên y tế nhưng hiện nay đã tạm ngưng, không cho tuyển.
Ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM (trái) trò chuyện với các nhà giáo tại buổi gặp gỡ
Phải yên tâm với nghề
Nhiều ý kiến của các nhà giáo tại buổi gặp gỡ cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở khi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục. ThS Phan Văn Quang nói hiện nay, tại quận Tân Bình, tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày còn thấp. Tuy quận đã đầu tư xây dựng trường lớp khá nhiều nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng dân số.
Chia sẻ khó khăn này, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 10, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định đến năm 2020 phấn đấu xây 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Dù ngân sách của TP gặp nhiều khó khăn nhưng TP vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nâng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày; giảm sĩ số học sinh để nâng chất lượng giáo dục.
Trong khi đó, nhiều nhà giáo trăn trở thực trạng hiện nay ngành GD-ĐT đang bị quá tải bởi các hội thi, mỗi năm học có khoảng hơn 20 hội thi của các ngành, các cấp, gây áp lực rất lớn cho giáo viên. "Tôi mong các ngành, các cấp hãy giảm bớt các hội thi. Ngay cả những liên hoan cũng cần giảm bớt vì bản chất của nó cũng là hội thi" - cô Phan Thị Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia (quận 11), đề xuất.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, trân trọng biểu dương tất cả những đóng góp của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp phát triển giáo dục TP HCM trong suốt thời gian qua. Ông Cang chỉ đạo các ban, ngành liên quan quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện dạy học; đề xuất chế độ cho các nhà giáo hưu trí của TP; nghiên cứu chính sách để động viên nhà giáo yên tâm với nghề…
Bậc phổ thông cũng chảy máu chất xám
ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, nêu thực trạng hiện nay ở bậc phổ thông, nạn chảy máu chất xám, học sinh đi du học giữa chừng quá nhiều. Theo ông Thạch, mỗi năm trường có hơn 80 học sinh du học, giảm gần 3 lớp học vì các em đi du học nước ngoài, chủ yếu qua Mỹ. Trong khi qua nước ngoài, các em phải học lại chương trình phổ thông. Chính vì thế, ông Thạch kiến nghị cho phép trường được nhập khẩu chương trình tiên tiến dạy song song với chương trình của Bộ GD-ĐT để các em vừa có bằng THPT trong nước vừa có bằng quốc tế, có thể sang nước ngoài học nâng cao. Đó cũng là để giữ nguồn chất xám cho trường, cho thành phố.
Bình luận (0)