Câu chuyện làm nông tử tế không phải là yêu cầu mới nhưng nó được đặt ra trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh sâu rộng của hàng Việt ra các nước và nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng an toàn.
Đòi hỏi từ thị trường
ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản của cả nước, có địa bàn nông thôn rộng lớn, lực lượng nông dân đông đảo, là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, góp phần quan trọng đưa Việt Nam là 1 trong 15 nước hàng đầu xuất khẩu nông sản và là tốp đầu chiếm lĩnh các mặt hàng lúa gạo, cá tra, tôm trên thế giới.
Thời gian qua, các chuỗi liên kết lương thực, thực phẩm, nhất là những loại nông sản chủ lực vùng như thủy sản, trái cây, lúa gạo, áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, organic... đã được quan tâm xây dựng, đạt được một số kết quả bước đầu, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Làm nông tử tế cần được đặt trong tổng thể chuyển đổi tư duy và phương thức kinh doanh nông nghiệp, xây dựng đạo đức kinh doanh .Ảnh: NGỌC TRINH
Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra không dễ vượt qua nếu sản xuất nông nghiệp theo lối tư duy nặng đầu vào, nhẹ đầu ra, tăng diện tích, mùa vụ, sản lượng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là không bảo đảm những tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe theo các phân khúc thị trường; độ khó và tính cạnh tranh trên thương trường ngày càng lớn.
Nhìn từ hai phía, sân nhà - thị trường Việt Nam và sân khách - thị trường xuất khẩu, thì nông sản vùng ĐBSCL đang gặp khó và không dễ "lên ngôi". Vai trò, trách nhiệm, thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ngày càng cao, những cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng được các cam kết EVFTA và EVIPA và yêu cầu hội nhập không thể đứng ngoài cuộc.
Vấn đề đã được nhận diện, việc chuyển đổi cũng được bàn nhiều, nhiều chương trình, dự án ứng dụng quy trình sản xuất nông sản sạch, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng được triển khai nhưng sau khi dự án kết thúc, đâu lại hoàn đó, không bền vững.
Bối cảnh và những yếu tố bên ngoài, bên trong tác động mạnh đến quyết tâm làm nông tử tế, chuẩn mực thị trường, giá cả bị đánh đồng giữa nông sản sạch và không sạch. Người sản xuất, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn.
Làm nông tử tế cần được đặt trong tổng thể chuyển đổi tư duy và phương thức kinh doanh nông nghiệp, xây dựng đạo đức kinh doanh, phải là mệnh lệnh từ thị trường chứ không chỉ là kêu gọi lòng hảo tâm, thái độ làm ăn đàng hoàng chung chung.
Chuẩn tắc và công nghệ
Việc chuyển đổi sang kinh doanh nông nghiệp, làm nông tử tế không thể từ một vài dự án hỗ trợ khoa học, kỹ thuật canh tác, quy trình chất lượng có tính đối phó ngắn hạn; không thể thi thoảng có một vài chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp mà cần những cải cách mạnh mẽ hơn.
Việt Nam đang tích cực xây dựng hạ tầng công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, ban hành nhiều chính sách quan trọng để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số.
Không chỉ nỗ lực của Chính phủ, đã có những doanh nghiệp tiên phong, nhiều nông dân ở ĐBSCL đang hiện thực hóa nền kinh tế số trên những cánh đồng, vườn cây, ao cá. Nhiều ứng dụng mà cách đây vài năm như chuyện đùa, nay đã là sự thật, minh chứng cho kinh tế số trong nông nghiệp.
Các "Hai Lúa" miền Tây ngồi quán cà phê miệt vườn nhưng vẫn có thể điều khiển hệ thống bơm, thoát nước cho vuông tôm bằng cách kích hoạt phần mềm tự động trên smartphone. Qua công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các siêu thị.
Công nghệ số tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng được truy xuất nguồn gốc rõ ràng mới được quan tâm, chưa thật sự được đầu tư bài bản.
Nền tảng pháp lý, thể chế hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo thông qua các mô hình kinh tế chia sẻ; lúng túng trong quản lý hoạt động kinh doanh theo loại hình mới vì các hoạt động này đan xen và giao thoa với kinh doanh truyền thống dễ dẫn đến chồng lấn giữa chức năng quản lý của các bộ, ngành với nhau.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, các ứng dụng nền tảng như điện toán đám mây, công nghệ vệ tinh, viễn thám… chưa đủ sức tạo hệ sinh thái lý tưởng cho các ứng dụng nền tảng. Hệ thống mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro để lộ lỗ hổng về thông tin.
Cần tiếp cận vùng theo chuỗi ứng dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số, kinh tế chia sẻ không xa lạ với nông dân và người tiêu dùng trong thời gian gần đây qua các ứng dụng trực tuyến truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm soát quy trình canh tác, điều khiển tự động...
Nhưng vấn đề là cần xây dựng các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ những tác nhân tham gia quy trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, lợi ích.
Hướng đến cộng đồng
Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp của vùng ĐBSCL và làm nông tử tế đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng theo định hướng một chuỗi chất luợng mở.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)