Sáng 7-11, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo trao đổi về công tác quản lý dự án BT, thực trạng và giải pháp. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì hội thảo.
Tham luận tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA) đánh giá chủ trương xã hội hóa huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài phát triển hạ tầng đô thị thông qua các hình thức: xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)… đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ông Châu cho rằng việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng hoặc theo hình thức BT, BOT… đã bộc lộ những mặt hạn chế.
Cụ thể, nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.
"Điều này có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội, trong lúc thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ ba" – ông Châu nhìn nhận.
Ông Châu khẳng định việc thực hiện phổ biến hình thức chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT… làm giảm đi tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh; tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước và gây quan ngại cho xã hội.
Bởi theo ông Châu, khi dự toán công trình nếu không được thẩm định chặt chẽ có thể bị nhà thầu nâng cao hơn giá trị thực, đồng thời nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách.
Cầu Sài Gòn 2 - một công trình giao thông đầu tư theo hình thức BT ở TP HCM (Ảnh: Hoàng Triều)
Với những quan ngại trên, ông Châu kiến nghị cần thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, chỉnh trang, phát triển đô thị,
Cuối cùng ông Châu cho rằng nên hạn chế tối đa chỉ định thầu để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Qua đó, củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư, làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
"Điển hình là bài học rất quý từ thực tiễn tổ chức thành công buổi đấu giá khu đất công tại số 23 Lê Duẩn, quận 1. Giá khởi điểm đấu giá là 558 tỉ đồng, có 13 doanh nghiệp tham dự đấu giá, sau 16 vòng đấu giá, mức giá thắng đấu giá lên đến 1.430 tỉ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm, giúp ngân sách nhà nước thu được đúng giá trị khu đất" – ông Châu nêu.
Bình luận (0)