Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, cho biết huyện có 53 nhà thùng, sản xuất 25 triệu lít nước mắm mỗi năm. Nước mắm truyền thống Phú Quốc đã được sự bảo hộ của châu Âu về chỉ dẫn địa lý và được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là làng nghề truyền thống. Vì vậy, Hội Nước mắm Phú Quốc phải có ý kiến để xây dựng cho nước mắm truyền thống một bộ tiêu chuẩn riêng. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, khẳng định trong 5 lần lấy ý kiến cho dự thảo TCVN 1607:2019 về quy phạm sản xuất nước mắm thì hội không được biết và chưa có ý kiến nào.
Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh, chủ nhà thùng nước mắm Kim Hoa, chỉ ra rằng bộ tiêu chuẩn TCVN 1607:2019 không phù hợp thực tế với quy trình làm nước mắm truyền thống. Đồng ý việc này, bà Nguyễn Kim Chi, chủ nhà thùng nước mắm Thành Khoa, cho rằng sản xuất nước mắm có bề dày hàng trăm năm nên cần có một bộ tiêu chuẩn riêng chứ không thể dùng chung bộ tiêu chuẩn với nước mắm công nghiệp.
Người dân mua nước mắm Khải Hoàn ở Phú Quốc Ảnh: Hoàng Tuấn
Tuy nhiên, ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Nước mắm Masan Phú Quốc, lên tiếng ủng hộ dự thảo quy định về tiêu chuẩn nước mắm nói trên. Ông Hoàng chỉ ra rằng tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn đạt quốc tế và tiêu chuẩn Codex.
Liên quan đến tiêu chuẩn Codex cũng như việc phân biệt 2 khái niệm "nước chấm" và "nước mắm" gây tranh cãi gần đây, PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết theo tiêu chuẩn Codex, nước chấm là có độ đạm dưới 10. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có định nghĩa về nước chấm, tiêu chuẩn về nước chấm nên hiện các văn bản pháp lý cũng không có tiêu chuẩn nào để phân biệt nước mắm và nước chấm. "Đáng lẽ chúng ta phải ban hành tiêu chuẩn thế nào là nước mắm, thế nào là nước chấm trước để người dân phân biệt cho rõ ràng" - ông Đáng nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết bất kể người dân nào cũng biết phân biệt nước mắm và nước chấm (nước mắm công nghiệp) bởi chúng khác nhau rất rõ ràng dù có thể chưa có trong tiêu chuẩn do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. "Nếu cơ quan quản lý không làm rõ khái niệm này, phân định rạch ròi và trả lại tên cho nước mắm truyền thống sẽ bị người dân nghi ngờ là không khách quan, có lợi ích nhóm trong làm chính sách, xây dựng pháp luật" - bà Khánh thẳng thắn. Bà đề nghị nhất thiết phải xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn khác nhau về nước mắm và nước chấm hoặc nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp.
Bình luận (0)