Ngày 28-11, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức phiên giải trình về hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ kết luận tại phiên họp giải trình .Ảnh: PHAN ANH
Nhân lực hạn chế
Tại phiên giải trình, thông tin từ UBND thành phố cho hay từ khi Luật Quảng cáo được ban hành thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001, hành lang pháp lý với những quy định cụ thể đã giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận tiện hơn trong kiểm tra, xử lý các bảng quảng cáo, biển hiệu không đúng quy định. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo, thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển, góp phần tạo nên cảnh quan đô thị hiện đại.
Quang cảnh phiên họp giải trình .Ảnh: PHAN ANH
Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước về quảng cáo trên địa bàn thành phố vẫn có hạn chế. Số lượng biển hiệu, bảng quảng cáo tăng qua từng năm mà lực lượng làm công tác quản lý nhà nước còn ít nên chưa thể kiểm soát hết. Mặt khác, việc thực hiện Luật Quảng cáo liên quan đến công tác phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực dẫn đến chồng chéo trong quản lý; chưa thống nhất trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo ngoài trời.
Bên cạnh đó, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập. Trong khi đó, việc quản lý chỉ đang tập trung vào công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo trên mạng internet mà chưa có kế hoạch, chiến lược quản lý, phát triển đối với loại hoạt động quảng cáo này.
Có "độ vênh" trong phối hợp
Có 13 đại biểu với 36 ý kiến chất vấn xoay quanh tiến độ công tác quy hoạch quảng cáo, trách nhiệm và quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động quảng cáo, trụ bảng quảng cáo trái phép…
Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND TP HCM Cao Thanh Bình thông tin khảo sát của ban cho thấy kiểm tra sau cấp phép chưa tốt nên có rất nhiều vi phạm. Ông Bình đặt câu hỏi thành phố có giải pháp và cách khắc phục như thế nào đối với các trụ, bảng quảng cáo không phép, sai phép hiện nay.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND thành phố, chất vấn thành phố có cách gì để quản lý hoạt động quảng cáo trên các màn hình LED, LCD bên trong các tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, tại các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh… để kiểm soát về nội dung phát hành và vấn đề an ninh thông tin.
Giải trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Nam cho biết từ năm 2014, sở đã làm đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời và trình vào năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018, Luật Quy hoạch ra đời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn 30 lĩnh vực không thực hiện quy hoạch, trong đó có quảng cáo. Do đó, sở ngưng và thanh lý đề án. Đến năm 2020, từ nhu cầu thực tiễn, UBND TP HCM chỉ đạo sở lập lại đề án.
Ông Nam nhìn nhận do quy định từng lĩnh vực chồng chéo nên có "độ vênh" trong phối hợp giữa sở ngành, địa phương. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao dẫn chứng Luật Quảng cáo và Luật Xây dựng hiện không cho phép dựng biển quảng cáo trong hành lang an toàn giao thông đường bộ nhưng Luật Giao thông đường bộ cho phép xây dựng tạm thời trong 6 tháng.
Về quản lý hoạt động quảng cáo trên các màn hình LED, LCD, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho hay Nghị định 181/2013 quy định hoạt động quảng cáo ngoài trời là trách nhiệm của ngành văn hóa - thể thao, song hiện đa số màn hình LED đều kết nối internet, tức thuộc quản lý của ngành thông tin truyền thông.
"Việc chồng lấn nhiệm vụ dẫn đến khoảng trống về trách nhiệm và chức năng quản lý đối với quảng cáo ngoài trời. Hai sở đã nhiều lần đề xuất nhưng hiện chưa có văn bản điều chỉnh" - ông Thắng thông tin.
Việc cần làm ngay
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức thừa nhận thực tế có vướng mắc về quy định trong quảng cáo do sự chồng chéo, khác biệt giữa quy định của luật và thông tư. "Tuy nhiên, không vì lý do khách quan này mà buông lỏng quản lý" - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phải trình cho được đề án phát triển và quy hoạch quảng cáo trong năm 2022 để UBND thành phố thông qua trước nửa đầu năm 2023. Đề án đặt mục tiêu năm 2025, ngành quảng cáo đóng góp 2,6% GRDP cho TP HCM và đến 2030 là 3,2% (năm 2020, ngành này đóng góp 1,8% GRDP). Cùng với đó, UBND thành phố cũng giao sở này làm đầu mối xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động quảng cáo.
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ đánh giá công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo được chính quyền các cấp, sở, ngành TP HCM quan tâm thực hiện nhưng cơ chế phối hợp quản lý giữa các sở ngành, địa phương chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế trong công tác hậu kiểm. Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Phải đẩy nhanh quy hoạch quảng cáo để làm cơ sở quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, TP HCM cần thống kê, rà soát, xử lý các công trình quảng cáo không đúng quy định, làm rõ trách nhiệm khi để công trình vi phạm và nghiêm túc chấn chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh việc cần làm ngay là ban hành quy chế phối hợp trong hoạt động quảng cáo để kiểm soát việc cấp phép, hậu kiểm, xử lý vi phạm… "Việc này phải hoàn thành trong quý I/2023, không thể quản lý nhà nước kiểu mạnh ai nấy làm" - Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị. Cũng theo bà Lệ, đối với những chồng chéo trong các quy định, phải rà soát để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố xây dựng chiến lược quảng cáo, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động quảng cáo, xây dựng đề án khai thác nguồn thu từ quảng cáo, ban hành quy định thu phí quảng cáo hành lang đường bộ, bảo đảm công khai minh bạch.
Phạt hơn 22 tỉ đồng trong 10 năm
Từ năm 2012-2022, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm tra và xử lý 2.181 trường hợp vi phạm về quảng cáo ngoài trời với tổng số tiền phạt hơn 22 tỉ đồng. Những lỗi vi phạm phổ biến gồm không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ nước ngoài trên biển hiệu; không thông báo hoặc thông báo không đúng nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.
Còn từ 1-1-2012 đến 10-2022, Sở thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động quảng cáo 42 tổ chức, cá nhân, tổng số tiền xử phạt là gần 1 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan quảng cáo trên mạng internet.
Cần "nhạc trưởng"
Trong loạt điều tra "Quảng cáo ngoài trời: Tiền chảy đi đâu?" của Báo Người Lao Động, nhiều người ngỡ ngàng bởi thông tin đăng tải. Theo đó, ngoài việc nội dung quảng cáo xuất hiện bất cứ đâu, trên bảng thông thường hay bảng dành cho cổ động chính trị thì số tiền liên quan hoạt động này thể hiện con số đối nghịch đến khủng khiếp. Thường cứ một vị trí, mỗi năm cơ quan quản lý chỉ thu số tiền chục triệu đồng trong khi người đứng ra mời chào cho thuê lại thu về lớn hơn gấp rất nhiều lần.
Hình ảnh bảng quảng cáo tại khuôn viên Bệnh viện Phụ sản Mekong (quận Tân Bình) trong loạt bài điều tra. Ảnh: SỸ HƯNG
Sau đó, ngày 11-11, khi đi khảo sát nhiều vị trí đặt trụ quảng cáo cũng như làm việc với một số đơn vị liên quan, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, nhận xét có sự đùn đẩy trách nhiệm quản lý giữa các sở, ngành, địa phương. Các đơn vị liên quan cũng thừa nhận lỗ hổng khiến dòng tiền khổng lồ kia xuyên qua là do chồng chéo trong quản lý, chưa có quy định rõ ràng…
Để hoạt động quảng cáo từng bước đi vào nề nếp, tạo tính công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tạo ra nguồn thu hiệu quả cho nhà nước, ông Cao Thanh Bình cho rằng cần phải có "nhạc trưởng" quản lý hoạt động này.
Bình luận (0)