Nhiều năm nay, số lượng biên chế của TP HCM được Trung ương duyệt luôn không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương. TP HCM đã nhiều lần xin Trung ương công nhận số biên chế sao cho phù hợp tình hình thực tế, khối lượng công việc của một đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế, phục vụ hơn 10 triệu dân nhưng chưa có sự thống nhất.
Nhân sự cần thiết để bộ máy vận hành
Dẫn chứng dân số quận Bình Tân hiện vào khoảng 800.000 người nhưng cũng chỉ có 10 đơn vị hành chính cấp phường để quản lý với số lượng cán bộ, công chức (CBCC) hạn chế, dẫn đến quá tải công việc, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết vừa qua, quận đã nghiên cứu việc chia tách đơn vị hành chính cấp phường và chia tách đơn vị cấp khu phố nhằm giảm áp lực cho quản lý nhà nước ở cơ sở. Dù vậy, địa phương chưa đủ tiêu chí để đề xuất giải pháp này, trong khi các nghị quyết của Quốc hội về chia tách phường hiện nay cũng quy định phải bảo đảm cả hai chỉ tiêu về dân số và diện tích nên rất khó để xin cơ chế.
Nói về việc trong năm 2021, HĐND TP HCM duyệt dôi dư 3.601 công chức và 2.104 viên chức, tức cao hơn chỉ tiêu Trung ương phê duyệt là 5.705 người (không tính người ký hợp đồng lao động và số công chức phường khi thực hiện chính quyền đô thị), Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân cho rằng số biên chế cao hơn Bộ Nội vụ giao không phải dôi dư, mà là số nhân sự cần thiết để bộ máy vận hành. Thực tế, thành phố đã giảm biên chế cả công chức và viên chức nếu căn cứ theo con số được HĐND TP HCM phê duyệt năm 2015. Ngoài ra, năm 2021, khi thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không còn HĐND các cấp, biên chế cấp phường tăng 3.735. Điều này dẫn đến việc số công chức tăng 1.700 người. Sở Nội vụ cũng thông tin thực tế hiện nhiều sở, ngành còn kiến nghị cơ quan này tham mưu chính quyền thành phố tăng biên chế vì tình hình nhân sự khó khăn.
Từ năm 2015, cả nước bắt đầu thực hiện tinh giản biên chế khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39. TP HCM cũng đã thành lập tổ công tác thẩm định tinh giản biên chế. Dù số biên chế tinh giản chưa đạt yêu cầu của Bộ Nội vụ nhưng thực tế những năm qua thành phố đã giảm rất nhiều. "Nếu không công nhận, TP HCM vẫn làm theo biên chế như thế này chứ khó khắc phục được. Cắt con số đang dư của TP HCM sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động" - ông Huỳnh Thanh Nhân nói.
Ông Huỳnh Thanh Nhân thông tin thêm từ năm 2015 đến nay, thành phố giảm 32.940 biên chế viên chức ngành y do các đơn vị tự chủ, nên số viên chức giảm từ hơn 120.000 còn khoảng 100.000, tiết kiệm hơn 3.952 tỉ đồng. Còn công chức, đến nay thành phố giảm khoảng 2.000 người so với năm 2015 (không tính công chức tăng do thực hiện chính quyền đô thị), giúp TP HCM tiết kiệm 276 tỉ đồng. TP HCM đã thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định và có nhiều giải pháp nhưng không thể giảm để đạt con số tuyệt đối như các địa phương có dân số, công việc hành chính ít hơn nhiều lần.
Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, TP HCM có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có, chẳng hạn như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi quận, huyện khoảng 50 người thì 22 quận, huyện đã thêm gần 1.000 người; hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước… Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang rà soát để giải trình với Trung ương về số biên chế chênh lệch so với chỉ tiêu được giao và đề xuất phương án giải quyết phù hợp. "TP HCM không đòi nhiều nhưng phải đủ và phù hợp với thành phố để đảm đương được công việc" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Công bằng trong phân bổ, lượng hóa công việc
Theo TS Huỳnh Văn Sinh (Học viện Cán bộ TP HCM), tại TP HCM đang tồn tại nghịch lý là số lượng CBCC ở phường, xã đông dân cũng bằng với nơi ít dân.
Do tăng dân số cơ học không đồng đều tại những nơi có các lợi thế so sánh khác nhau (khu công nghiệp, đô thị hóa cao, trục giao thông thuận tiện được cải tạo và đầu tư mới…) tạo nên áp lực trong thực thi công vụ không đồng đều tại các xã, phường. Thực trạng này có thể nhìn thấy tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh là xã đông dân nhất TP HCM, với hơn 167.000 người; đồng thời xã này bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn và tương đương dân số quận Phú Nhuận.
"Tuy nhiên, số biên chế xã này được giao là 36 (11 cán bộ, 11 công chức, 14 người hoạt động không chuyên trách). Trong khi, Bắc Kạn được giao 1.489 biên chế công chức, gấp hơn 41 lần; quận Phú Nhuận được có tối đa 436 cán bộ cho 13 phường - gấp 12 lần" - TS Huỳnh Văn Sinh dẫn chứng.
Cũng theo TS Huỳnh Văn Sinh, qua khảo sát, tại những xã, phường đông dân, CBCC phải làm tất cả các việc. Ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, họ còn phải tham gia các đoàn công tác, tổ kiểm tra, đi tập huấn, đi học…
Cán bộ chính sách phụ trách thêm công tác lao động, xã hội, giảm nghèo; cán bộ văn thư lưu trữ của xã kiêm nhiệm thêm việc xử lý văn bản đến, văn bản đi, xử lý phần mềm, đóng dấu kiêm thủ quỹ; cán bộ quản lý kinh tế kiêm phụ trách môi trường, điện, nước; cán bộ làm công tác văn phòng Đảng ủy thì lo luôn công việc của khối dân vận và tuyên giáo… Việc nhiều nên ngay cả lãnh đạo xã, phường cũng không có thời gian đi thực tế xuống địa bàn để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp…
Công việc quá tải là vậy nhưng thu nhập của CBCC rất khiêm tốn. Một công chức lâu năm của xã, phường cũng chỉ nhận được khoảng 9 triệu đồng/tháng (kể cả thu nhập tăng thêm hằng quý). Còn cán bộ không chuyên trách thì lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy nhiều CBCC cấp xã, phường tại TP HCM thời gian qua nộp đơn xin nghỉ việc vì áp lực công việc quá lớn.
Trước thực trạng trên, TS Huỳnh Văn Sinh đề xuất TP HCM cần rà soát lại số lượng CBCC ở địa phương, đánh giá năng lực cán bộ nhằm giảm cán bộ ở xã, phường ít dân, tăng nơi đông dân để cân đối bộ máy, tránh bất bình đẳng khi cùng một mức lương nhưng người phải phục vụ hơn 4.500 dân (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), người chỉ phục vụ hơn 43 người (phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức), ít hơn 106 lần.
"Cần sự công bằng trong phân bổ công việc, lượng hóa công việc, tránh cào bằng. Dùng chính sách đãi ngộ thỏa đáng được tính theo năng lực và công việc đảm nhận sẽ tạo động lực cho cán bộ cấp xã, phường trong thực thi công vụ" - TS Huỳnh Văn Sinh nói.
Mặt khác, TS Huỳnh Văn Sinh cho rằng TP HCM cần đề xuất Trung ương cho phép căn cứ vào tình hình, nhu cầu thực tiễn và ngân sách thành phố để trình HĐND quyết định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ngoài số lượng quy định tự quyết việc sắp xếp bộ máy dựa trên nguyên tắc phân cấp, ủy quyền.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lê Hoài Trung cho hay thực tế CBCC xã, phường, thị trấn là cấp chính quyền gần dân, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục… hành chính (nhà đất, xây dựng, tư pháp, hộ tịch…) ngày càng tăng (do dân cư tăng)… Không chỉ hồ sơ hành chính… mà rất nhiều nhiệm vụ khác (cả chỉ đạo từ UBND quận, huyện, UBND, Đảng ủy xã, phường, yêu cầu của môi trường đô thị…).
"Hiện đội ngũ CBCC xã, phường ở TP HCM đang chịu áp lực rất lớn từ khối lượng công việc ngày càng tăng cao, nhất là ở những xã, phường đông dân và cứ để tình trạng này kéo dài, CBCC sẽ nghỉ việc ngày càng nhiều. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. TP HCM cần tính toán biên chế CBCC của xã, phường cho hài hòa, nhất là tính toán lại đội ngũ cán bộ trên cơ sở dân cư để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ" - ông Lê Hoài Trung nêu ý kiến.
Sở, ngành cũng quá tải
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho hay khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM, Sở Tài chính TP HCM cũng phát sinh thêm khối lượng công việc rất lớn. Điển hình khi xây dựng dự toán, Sở Tài chính phải rà soát khoản chi chi tiết của 16 quận và hơn 960 đơn vị sự nghiệp; bổ sung điều chỉnh ngân sách đối với 1.400 đơn vị của 16 quận. Ngoài công việc trước đây, một công chức thẩm kế phải phụ trách 80-160 đơn vị cấp quận.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-7
Bình luận (0)